Quyết liệt hơn trong công tác tạo thuận lợi thương mại
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chính phủ Việt Nam nhất quán quan điểm tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đầu tư, đặc biệt là XNK |
Nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế
Cho biết sau khi thành lập Chính phủ nhiệm kỳ mới, năm 2016, Chính phủ đã đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa là ưu tiên hàng đầu.
“Từ quan điểm đó, nhiều chính sách quan trọng, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh,… đến đơn giản hóa công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đã được xây dựng, thực hiện” – ông Dũng nói và cho biết, qua nửa nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được giữ ổn định và có bước tăng trưởng cao, trong đó tăng trưởng XNK đạt và vượt mục tiêu.
Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa 968/6.213 điều kiện, đạt 31,27% theo yêu cầu của Chính phủ và đạt 25,5% so với dự kiến. Đến nay, các Bộ đã trình Chính phủ 23 Nghị định, trong đó có 4 Nghị định đang được lãnh đạo Chính phủ xem xét ký trước khi ban hành; 15 Nghị định đã và đang được lấy ý kiến.
Trong công tác cải cách hoạt động KTCN, các bộ đã ban hành 15 văn bản thực thi cải cách hoạt động KTCN và đã cắt giảm 1.700/9.926 dòng hàng, đạt 34,3% so với yêu cầu của Chính phủ và đạt 28,3% so với dự kiến. Hiện văn phòng Chính phủ đang đôn đốc các bộ, ngành để đảm bảo hành thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Chi tiết hơn, ông Dũng cho biết, nếu năm 2016, chi phí cho lĩnh vực XNK, trong đó có công tác KTCN cần tới 30 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi phí trung bình của ngành Hải quan là 28%, còn lại 72% là do các bộ, ngành liên quan thì “Năm 2017, ngành Hải quan đã giảm được 3 giờ làm thủ tục XK và 6 giờ làm thủ tục NK và với tổng số khoảng 11 triệu bộ hồ sơ XNK trong năm qua, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng” – Ông Dũng minh chứng.
Tuy nhiên theo ông Dũng, để đạt được mục tiêu Chính phủ giao là cắt giảm 50% trong 9.926 dòng hàng phải KTCN trong năm 2018 (đến nay đã cắt giảm được khoảng 34,3%) thì còn nhiều việc phải làm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Kết quả đạt được trong tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường đầu tư kinh doanh là rất đáng ghi nhận nhưng còn nhiều hạn chế cần khắc phục |
Đồng tình, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển bổ sung, kết quả đạt được trong TTLTM, tạo môi trường đầu tư kinh doanh là rất đáng ghi nhận.
“Kết quả này có được là nhờ, cùng với các cơ chế, chính sách, chương trình hành động TTLTM, Chính phủ đã xây dựng và thực hiện rất tốt cơ chế giám sát với các tiêu chí có thể lượng hóa trong công tác này”- ông Tuyển nhận định. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra hàng loạt hạn chế, như: năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ hải quan còn hạn chế; công nghệ phục vụ công tác nghiệp vụ còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ, chưa kết nối hiệu quả giữa hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác;…
Quyết liệt hơn trong đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Đồng tình với những đánh giá trên, ông Michael Michalak- Phó Chủ tịch Cao cấp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, những hạn chế trong công tác TTLTM, đơn giản hóa công tác KTCN của Việt Nam chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành cần quyết liệt hơn nữa mới có thể bắt kịp xu thế chung của khu vực và thế giới.
Lưu ý Việt Nam đã ký kết 12 FTA đa và song phương song công tác thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, ông Michael Michalak khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác rà soát, sửa đổi và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là những chính sách liên quan đến các FTA.
Ông Trần Thanh Hải: Bộ Công Thương đã và đang rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách, những cam kết trong các FTA với đối tác… để có giải pháp đồng thời cho công tác TTLTM và bảo vệ được nền sản xuất trong nước |
Trên quan điểm của một trong những bộ thực hiện công tác KTCN, theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, tốc độ tham gia đàm phán, ký kết các FTA của Việt Nam rất nhanh cho thấy, Việt Nam đã bắt kịp “chuyến tàu” mở cửa, hội nhập của khu vực và thế giới. Tuy vậy, ông Hải cũng lưu ý, sau mỗi chu kỳ từ 6-7 năm, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của Việt Nam tăng gấp 3 lần, kèm đó là tốc độ tăng trưởng các lĩnh vực sản xuất trong nước.
“Chúng tôi cũng đặt câu hỏi tốc độ như vậy có quá nhanh? Có cần nhìn lại để có những giải pháp phù hợp hay không?” – Ông Hải nêu câu hỏi và cho biết, khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, Bộ Công Thương đã và đang rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách, những cam kết trong các FTA với đối tác… để có giải pháp đồng thời cho công tác TTLTM nhưng cũng bảo vệ được nền sản xuất trong nước.
Ở tầm vĩ mô, ông Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ nhất quán quan điểm tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đầu tư, đặc biệt là XNK. Về giải pháp, theo ông Dũng là, tiếp tục thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số với mục tiêu kết nối đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa KTCN; cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, XNK… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tiếp tục là những bước đi quyết liệt của Việt Nam trong TTLTM.
Tại Hội nghị, cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, ông Nestor Scherbey- Cố vấn Chính sách cao cấp của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) cho biết, đã công bố dự án cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với hậu thuẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho Tổng cục Hải quan Việt Nam, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài Chính và các bộ, ngành tham gia quản lý lĩnh vực thương mại tại Việt Nam.
Dự án bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý, hỗ trợ vận hành và công nghệ thồng tin cho hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các trợ giúp khác trong việc nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại. Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất.