Vẫn còn lỗ hổng trong quản lý khai thác IUU
Sau hơn 3 năm kể từ khi EU rút thẻ vàng IUU, dù thực hiện nhiều giải pháp từ xây dựng luật, quản lý tàu cá… song tới nay thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ. Lý giải nguyên nhân này, theo Tổng cục Thủy sản, công tác kiểm tra thực tế tại các tàu vẫn còn hạn chế, chủ yếu đang tập trung kiểm tra hồ sơ. Còn về nội dung liên quan việc theo dõi giám sát, dù đơn vị này đã gửi nhiều thông báo cho địa phương về việc tàu cá có chiều dài trên 24 mét “mất kết nối trên 10 ngày” song địa phương lại không gửi thông tin về Tổng cục…
Chưa hết, ở một số địa phương, cụ thể là Tiền Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, từ đầu năm đến nay tỉnh có 1 tàu cá mang số đăng ký TG-92662-TS đã bị Thái Lan bắt giữ do xâm phạm vùng biển của quốc gia này.
Trên quy mô cả nước, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bộ này cho biết, việc vi phạm vùng biển của nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản là điều cấm, nếu không khắc phục sẽ có nguy cơ bị EC rút “thẻ đỏ”.
Hội nghị Đánh giá 3 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” |
Sẽ quyết liệt hơn trong gỡ thẻ vàng
Trên thực tế, kể từ khi bị rút thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã sụt giảm liên tục từ năm 2018 tới nay. Thông tin tại Hội nghị Đánh giá 3 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: Xuất khẩu thủy hải sản sang EU liên tục giảm và kể từ năm 2019 thị trường này đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Đặc biệt năm 2020 xuất khẩu sang EU bị tác động kép bởi dịch Covid, thẻ vàng và Brexit, khiến cho giá trị xuất khẩu hải sản trong 9 tháng qua chỉ đạt 250 triệu USD - tiếp tục giảm thêm 13% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức giảm sâu hơn so với các mặt hàng thủy hải sản khác khi xuất khẩu qua EU là 10%.
Dù vậy, theo ông Nam, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Do đó, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản vẫn đang kiên định với chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”. Chương trình này được khởi động ngày 25/9/2017, với sự tham gia của 62 nhà máy, Ủy ban Hải sản của VASEP, Ban Điều hành IUU VASEP và cộng đồng doanh nghiệp.
Những nỗ lực của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản trong thời gian qua đã được ghi nhận khi EC tin tưởng và thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin. Cụ thể, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong năm 2020, Việt Nam đã có 2 cuộc họp trực tuyến với EC vào ngày 30/6/2020 và ngày 22/10/2020 để trao đổi, cập nhật các kết quả triển khai, giải trình các nội dung về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Qua đó, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021, VASEP sẽ duy trì thường xuyên và tích cực đồng hành với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan thực hiện góp ý các quy định thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát IUU; Thực hiện hỗ trợ rà soát các triển khai của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các quy định IUU khi xuất khẩu sang EU, Mỹ’ Xây dựng chương trình phối hợp với Chi cục, cảng cá, ngư dân để xác nhận, chứng nhận an toàn vệ sinh trên tàu cá…
Theo VASEP, việc gỡ thẻ vàng là cấp bách để ngành hải sản xuất khẩu giữ vững thị trường EU với mục tiêu xuất khẩu phải đạt 1,4 tỷ USD/năm trong giai đoạn tới; đồng thời cũng để các doanh nghiệp trong ngành có thể khai thác được lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020 vừa qua.