Quý III: Tăng trưởng GDP có thể đạt mức cao
Không chỉ đánh giá cao bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm, đại diện nhiều tổ chức quốc tế còn kỳ vọng vào dư địa tăng trưởng của Việt Nam những tháng cuối năm.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm tiếp tục được đánh giá cao với những thông tin tích cực về xuất nhập khẩuđạt hơn 432 tỷ USD; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,8%; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, với kết quả tăng trưởng GDP7,72% trong quý II/2022, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trên nền tăng trưởng âm của quý II/2021, cộng với sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam có thể đạt mức cao, thậm chí lên đến 10,8% như dự báo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra vào cuối tháng 7/2022.
Ảnh minh họa |
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga – chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và trên diện rộng nhờ thành tích tiêm chủng xuất sắc và mở cửa lại các hoạt động, Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô. Trên cơ sở đó, IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 từ mức 6% tại thời điểm tháng 5 lên mức 7% vào tháng 7/2022.
Dự đoán về mức tăng trưởng GDP, theo ông Andrew Jeffries – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 là 6,5% và đạt 6,7% vào năm 2023.
Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) - kỳ vọng, Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7% trong năm 2022, đồng thời tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhờ việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được tích cực triển khai.
Có nhiều dư địa để tăng trưởng, song theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới đang đứng trước những bất trắc. Nhiều tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bởi những lo ngại liên quan đến lạm phát gia tăng. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lại rất cao, khi có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 200% GDP, nên dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - thông tin: Nhiều doanh nghiệp cho biết đơn đặt hàng trong những tháng cuối năm đã giảm so với quý II. Xu hướng tiêu dùng trên thế giới giảm có thể ảnh hưởng đến số lượng đơn đặt hàng và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ "dịch chồng dịch" do số ca mắc Covid-19 đang gia tăng, xuất hiện biến chủng mới với sự bùng phát của dịch cúm A, đậu mùa khỉ có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Trên cơ sở những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần đảm bảo cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt và nhanh nhạy trong điều phối chính sách tài khóa và tiền tệ.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chuyên đề về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. |