Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD năm 2030
Sáng 26/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị quốc tế đối với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã trình bày tóm tắt về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người |
Mục tiêu cụ thể được đưa ra tại Quy hoạch tổng thể quốc gialà tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7%/năm giai đoạn 2031-2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người.
Bình luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS. Danny Leipziger – Ngân hàng Thế giới - cho biết: Quy hoạch tổng thể quốc gia đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được công bằng và hiệu quả, chúng ta cần cố gắng kết nối quy hoạch đô thị và sử dụng đất, giữa đô thị trung tâm và đô thị nông thôn, cần kết nối các thành phố nhỏ với các đại đô thị lớn.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Danny Leipziger cho rằng, rất lạc quan, nhưng cũng phải tính đến các yếu tố khác liên quan đến sử dụng vốn, năng suất sử dụng vốn.
Trong khi đó, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Thật khó để đưa mọi thứ vào quy hoạch này, vấn đề là cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được. Trên cơ sở đó, bà Carolyn Turk kiến nghị, cần thay đổi cách tiếp cận theo tổng thể quy hoạch quốc gia – vùng, thay vì theo từng địa phương như trước đây.
Theo bà Carolyn Turk, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần cân đối và ưu tiên các mục tiêu phát triển, chúng ta có nhiều nhiệm vụ, mục tiêu và cần có những ưu tiên để có thể xác định được mục tiêu muốn đạt được trong 10 năm tới, trong đó các lĩnh vực ưu tiên sẽ cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, Quy hoạch cần thể hiện tầm nhìn phát triển, trên phương pháp luận rõ ràng, cơ sở phân tích chắc chắn. Cần cân đối giữa các mục tiêu khác nhau, giữa hiệu quả và công bằng trong nhiều nội dung.
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 |
Về xử lý các bất cập trong khi triển khai, theo bà Carolyn Turk: Quy hoạch cần vạch rõ cách thức hoàn thành mục tiêu phát triển về không gian, theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được ưu tiên theo trình tự, kết quả để đảm bảo quy hoạch theo thực chất, đảm bảo quy hoạch sát thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia, nhằm bố trí không gian phát triển một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo đó, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học, để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả. Trên cơ sở đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ, sâu sắc của các ngành, lĩnh vực cũng như đóng góp ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước bên cạnh việc chủ động đúc rút kinh nghiệm, bài học quốc tế trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch.
6 quan điểm phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia, bao gồm: Thứ nhất, tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Thứ 2, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả; Thứ 3, phát triển theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; Thứ tư, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển cả nước, các vùng và hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao; Thứ 5, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; Thứ 6, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên dự gắn kết khu vực đất liền với không gian biển, tham gia có hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế. |