Thứ ba 26/11/2024 02:57

Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản: Mở ra không gian phát triển mới

Việc ban hành 3 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho các ngành này.

Tạo đột phá trong đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản gồm: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng

Đánh giá như thế nào về vai trò của các quy hoạch này đối với sự phát triển nền kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế khẳng định, việc ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, phát triển của một lĩnh vực rất quan trọng, đó là tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Các quy hoạch này trở thành một trong những định hướng cơ bản cho hoạt động của các lĩnh vực đó trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thêm nữa, quy hoạch về khoáng sản càng có ý nghĩa trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên ít tác động nhất đến môi trường. Đây đang là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia, cơ quan quan tâm. Bởi vì khoáng sản là những tài nguyên không thể tái tạo và nó lại có những ảnh hưởng rất lớn nếu như việc khai thác của chúng ta không theo đúng quy trình, cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về mặt công nghệ.

"Vì vậy, các quy hoạch sẽ ảnh hưởng tới sự bền vững cũng như tốc độ tăng trưởng trong tương lai của đất nước. Chúng tôi đánh giá cao các quy hoạch ngành quốc gia về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản mà các cơ quan đã có sự chuẩn bị một cách tương đối lâu dài, công phu và đầy đủ trong quá trình soạn thảo nội dung các quy hoạch này" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong thực tế quy hoạch để phát triển nguồn năng lượng luôn luôn được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và đặc biệt với vai trò của Bộ Công Thương là cơ quan quản lý EVN, cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản…

Rõ ràng, với quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản đang là bước tạo ra đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như các yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời gian tới đây.

"Với sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời, chúng tôi cho rằng, các quy hoạch này sẽ là những cơ sở, định hướng để các cơ quan chức năng dựa vào đó xem xét, lập ra các kế hoạch cụ thể trong việc triển khai hoạt động phát triển năng lượng và đảm bảo nguồn nguyên liệu, các tài nguyên khoáng sản cho hoạt động phát triển kinh tế trong thời gian tới" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, trước hết, với quy hoạch phát triển năng lượng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về lâu dài, chúng ta phải làm sao cho việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển. Đồng thời, phải tính toán đến quá trình xử lý liên quan đến việc bảo vệ môi trường và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên chúng ta đang có thì lúc đó quy hoạch năng lượng sẽ có hiệu quả vừa mang tính thực tiễn vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài.

Còn đối với quy hoạch về khoáng sản, chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng nhưng mức độ tập trung để khai thác được cũng tương đối khó khăn. Tuy nhiên, với trình độ công nghệ ngày càng phát triển, chúng tôi cũng hy vọng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trở thành một trong những quy hoạch mang tính đột phá, để chúng ta có thể có những cái cụ thể hóa sau này trong quy trình khai thác, tận dụng tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và mức độ khoa học và công nghệ chúng ta có.

Tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất

Đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, quy hoạch có ý nghĩa quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước.

Hoạt động khai thác khoáng sản

Thời gian qua, đối với nguồn tài nguyên khoáng sản Việt Nam rất phong phú, nhưng mức độ khai thác vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, với việc ban hành quy hoạch này giúp chúng ta đã có đường hướng để khai thác từng loại tài nguyên khoáng sản phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đồng thời, có lộ trình và yêu cầu để nâng cao chất lượng công nghệ khai thác chế biến, trên cơ sở đó giúp cho việc chủ động nguồn nguyên liệu ngày càng phong phú đa dạng phù hợp với trình độ năng lực phát triển của kinh tế đất nước.

Cũng từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất các sản phẩm mới hướng tới sự tăng trưởng bền vững của toàn bộ nền kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, quy hoạch nào cũng thế cũng cần có thực tiễn kiểm nghiệm. "Chúng tôi hy vọng rằng với việc chủ động nắm bắt nguyện vọng phản ánh từ thực tiễn đối với quy hoạch này, từ đó Bộ Công Thương sẽ có những chỉnh sửa kịp thời góp phần làm cho quy hoạch sớm đi vào đời sống thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất" - ông Thịnh bày tỏ.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Trăn trở với vấn đề bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các cấp quy hoạch, ông Thịnh lưu ý, việc đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch là một trong những vấn đề rất quan trọng. Thực tế này không chỉ xảy ra đối với các quy hoạch của Bộ Công Thương mà còn tại nhiều quy hoạch khác.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, chúng ta đang thực hiện quy hoạch với mục tiêu rộng, không chỉ bó hẹp của từng địa phương, từng ngành, nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”.

Vì chỉ có tính liên kết, liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì mới nhìn thấy được có những vấn đề chúng ta triển khai làm chưa tốt. Có những quy hoạch hỗ trợ ngành này hay hỗ trợ cho ngành kia, địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác và tận dụng được những lợi thế tối đa, phát huy được năng lực sở trường của từng doanh nghiệp, từng địa phương.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng và như vậy có thể có những ngành việc phát triển chậm hơn một chút nhưng nó lại có hiệu quả cao hơn. Song cũng có những ngành phải phát triển nhanh hơn để từ đó tạo ra bước đột phá, giúp cho sự phát triển của một số ngành khác cũng như của một số địa phương.

Đơn cử, đối với Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trước đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt để sớm có được quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như quy hoạch của từng vùng, miền, từng ngành nghề, từng địa phương một cách phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm, vấn đề quan trọng của các quy hoạch là phải tuân thủ và sáng tạo. Đối với quy hoạch vùng miền, hoặc là các quy hoạch trong ngành phải có liên kết với nhau và khi chúng ta phát hiện có độ vênh hay những vấn đề tồn tại cần phải có sự chỉnh sửa phù hợp, nhưng vẫn phải tuân thủ mục tiêu chung của quy hoạch. Điều quan trọng nhất là quy hoạch phải tốt, cụ thể, phù hợp sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung tốt hơn.

Quỳnh Nga - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Bạc Liêu tập trung đầu tư vào hạ tầng lưới điện

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

5 trụ cột giúp Việt Nam chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?