Tập trung cao độ cho dự án Luật điện lực (sửa đổi)
Mục tiêu đưa Việt Nam vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới được thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết thông qua những định hướng, khẳng định, quyết tâm rất cao của Đảng, Chính phủ và cũng là khát vọng của cả dân tộc. Nhưng không chỉ dừng lại ở quyết tâm, mà điều này phải được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, những giải pháp đột phá để có thể chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện rõ trong các chỉ đạo, hành động rất quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây.
Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực |
Để phát triển kinh tế - xã hội, điện đóng vai trò hết sức quan trọng, nó được xem là "mạch máu" của nền kinh tế và phải phát triển “đi trước một bước”. Trong phát biểu định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng - một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, điểm đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, để GDP Việt Nam tăng trưởng 1%, điện phải đi trước, tăng trưởng 1,8-2%. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, xây dựng mục tiêu với ngành điện. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), đời sống Nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt 12-13%.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Việc soạn thảo dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan của Quốc hội đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều phiên họp xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 14/11 cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ cơ bản các quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các quy định về thủ tục hành chính, chỉ giữ lại các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội và luật hoá một số nội dung cần thiết; đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 88 điều (chỉ bổ sung 18 điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) |
Chỉ sau đó 1 ngày - ngày 15/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức cuộc làm việc để góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thực hiện cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho hay, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này tập trung vào các nội dung: Quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư phát triển điện; chính sách giá điện; công tác vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Theo ông Tạ Đình Thi, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã cắt giảm, đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực và giao Chính phủ quy định chi tiết các thủ tục. Cùng với đó, dự thảo Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quyết định chủ trương đầu tư phát triển điện nhằm bảo đảm tiến độ của các dự án phát triển điện, đáp ứng nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhớ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý trong công tác xây dựng các dự án luật đó là luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) |
Quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong phát triển giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề cập đến tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, thiết kế dự thảo Luật Điện lực theo hướng “chỉ đưa vào những điều khoản quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai dự án luật”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng, trình Quốc hội với tinh thần không cầu toàn nhưng phải giải quyết được kịp thời các vấn đề/điểm nghẽn căn cốt nhất hiện nay, đó là cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện truyền tải, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đã đề ra.
"Vì vậy, dự kiến Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được căn bản các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu Net Zero và góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân" - Bộ trưởng nói.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Nhìn lại chặng đường bền bỉ đưa điện thắp sáng các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo của Tổ quốc, có thể thấy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này với mong ước cải thiện đời sống kinh tế của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Đầu tư đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Cấn Dũng |
Nhớ lại tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Theo đó, Quốc hội cho phép sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 93/2023/QH15 để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại biểu Tô Ái Vang - đoàn Sóc Trăng cho biết, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, lượng du khách đến Côn Đảo đã vượt quy hoạch, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi các nhà đầu tư hiện đang mong chờ có điện để triển khai đầu tư, vì vậy, việc cấp điện bằng lưới điện quốc gia sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn, lâu dài và giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia và các di tích lịch sử, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đây là dự án đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn có của EVN để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, sớm triển khai dự án cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện. "Dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp để triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng" - đại biểu nói.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng |
Dẫn chứng kinh nghiệm thực tiễn từ đảo Cô Tô, bước ngoặt là vào năm 2013 khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện kéo điện lưới ra đảo, bà Tô Ái Vang nêu rõ, khi có điện, có nước và có tàu ra đảo đã giúp kinh tế Cô Tô bừng sáng, đời sống của người dân được cải thiện nhanh chóng.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, xuất phát từ thực tiễn tại cơ sở cũng như tiếp thu kiến nghị cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu Đoàn Thị Lê An - đoàn Cao Bằng nhận định, đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều địa bàn, thôn, bản tại những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực; bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) |
Trong phiên thảo luận chiều 7/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đồng tình cao với các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo Luật.
Cụ thể, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định như sau: Ưu tiên ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương.
Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện các hộ dân bảo đảm bền vững và hiệu quả; hỗ trợ cấp điện sinh hoạt, đầu tư đường dây dẫn điện, hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt.
Đại biểu Lê Minh Nam - đoàn Đại biểu Quốc tỉnh Hậu Giang khẳng định: Điện lực là một lĩnh vực rất đặc thù, cần có chính sách phù hợp của Nhà nước để phát triển hiệu quả, hiệu lực. |
(Còn nữa)