Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến về các dự thảo Luật |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 44, UBTVQH sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Tiếp cận thông tin; dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế…
Bên cạnh đó, UBTVQH cũng xem xét thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Ngay sau khi khai mạc phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đề nghị sửa tên dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thành "Luật Điều ước quốc tế" để đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Đối với Luật Tiếp cận thông tin, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin không chỉ do mình tạo ra mà còn cung cấp thông tin do mình nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị: Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa theo hướng quy định rõ những loại thông tin nào mà công dân, cơ quan tổ chức được quyền tiếp cận, thông tin nào bị cấm, không được tiếp cận; nguyên tắc tiếp cận thông tin đi liền với trình tự, thủ tục, thời hạn và trách nhiệm của cả hai bên cung cấp và tiếp nhận thông tin.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, điểm cốt lõi nhất của Luật này là cần quy định rõ những thông tin được tự do tiếp cận, thông tin nào thì bị hạn chế. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa trả lời được câu hỏi này. “Luật Tiếp cận thông tin mà lại không nói rõ thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không tiếp cận thì sẽ không có giá trị cao. Từ nay đến tháng 3, Ban soạn thảo cần rà soát để đưa nội dung này vào dự án Luật”– Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.