Quảng Trị: Kiểm tra các dự án chế biến gỗ trên địa bàn
Quảng Trị hiện có trên 120 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Trong đó, chủ yếu là chế biến gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ tập trung ở TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững hơn và trở thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp của địa phương, UBND tỉnh này đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025”. Trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD; đưa đồ gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về tình hình hoạt động của các cơ sở, nhà máy chế biến dăm gỗ vào tháng 3/2023 để có định hướng phát triển cụ thể.
Trong nội dung kết luận buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về tình hình hoạt động của các cơ sở, nhà máy chế biến dăm gỗ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã kết luận, đối với các nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ (nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp) đã hoạt động từ tháng 10/2017 trở về trước, UBND các địa phương hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định, báo cáo về tỉnh các dự án cụ thể trước khi tiếp tục hoạt động, hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Đối với các nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ (nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp) hoạt động sau thời điểm UBND tỉnh Quảng Trị có chủ trương dừng cấp phép đầu tư mới các nhà máy dăm (tại văn bản số 4972, ngày 6/10/2017), các địa phương hướng dẫn các nhà máy, cơ sở này chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh phù hợp (cưa xẻ, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng…), đồng thời kiên quyết xử lý đối với các cơ sở, nhà máy vi phạm hoạt động (yêu cầu đóng cửa).
Đối với những dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục giám sát dự án.
Một nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị |
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình hoạt động các dự án chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Đoàn kiểm tra gồm có 17 thành viên do bà Thái Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn; có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, nguyên liệu sản xuất và các quy định liên quan đến các dự án chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ trên địa bàn tỉnh. 4 nội dung kiểm tra bao gồm hồ sơ, thủ tục cấp phép đầu tư, thực hiện chủ trương đầu tư, các quy định liên quan đến dự án đầu tư; hồ sơ, thủ tục cấp đất, mục đích sử dụng đất, chấp hành các quy định về môi trường; hồ sơ, thủ tục cấp phép xây dựng, thực hiện các quy định liên quan đến xây dựng; tình hình sản xuất kinh doanh, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài việc kiểm tra, đoàn có nhiệm vụ tổng hợp tình hình thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ để báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị. Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 11/5 đến ngày 30/5/2023.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức rà soát dự án chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ. Đây là bước rà soát lại (trước đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rà soát) để có cơ sở tham mưu, báo cáo giải pháp xử lý báo cáo UBND tỉnh.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 dự án nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ (hoặc có hạng mục chế biến dăm gỗ). Trong đó, có 3 dự án của nhà đầu tư đầu tư nước ngoài, 32 dự án của nhà đầu tư trong nước.
Nhìn chung, các dự án sản xuất dăm gỗ được cấp phép trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị với quy mô khá lớn (hơn 10 tỷ đồng/dự án). Các dự án hoạt động liên tục thời gian dài, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.