Quảng Trị: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm chủ lực
Theo Sở Công Thương Quảng Trị, quý III năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế, thương mại tiếp tục xu hướng giảm; lạm phát, chính sách tiền tệ còn chứa đựng yếu tố bất định; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm… Trong nước, kinh tế tương đối ổn định, cơ chế, chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất – kinh doanh; thị trường xuất khẩu hàng hoá ngày càng mở rộng, tạo thuận lợi trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại tỉnh Quảng Trị, các tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm, đơn hàng tiêu thụ sản phẩm ít, một số dự án trọng điểm của tỉnh triển khai chưa đạt tiến độ đề ra. Bước sang quý III năm 2024, sản xuất công nghiệp có những tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 tăng 9,35%).
Theo Phòng Công nghiệp (Sở Công Thương Quảng Trị), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường nên một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ, như: Thủy sản đã chế biến đạt 5078 tấn, tăng 41,09%; bia lon đạt 29485 nghìn lít, tăng 24,49%; tinh bột sắn đạt 52,506 nghìn tấn, tăng 9,81%; quần áo may sẳn đạt 25,807 nghìn cái, tăng 10,76%; ván gỗ MDF đạt 157,461 nghìn m3.
Cơ sở sản xuất công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị |
Ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị - cho biết: “Nhìn chung, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dễ tổn thương trong điều kiện cạnh tranh khi nhu cầu của thị truờng trong nước và thế giới suy giảm; nhiều dự án trọng điểm của tỉnh chậm triển khai làm chậm đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Đối với lĩnh vực thương mại, theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Quảng Trị), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9/2024 đạt 2.891,35 tỷ đồng, giảm 2,12% so với tháng trước và tăng 13,15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ có chuyển biến theo chiều hướng tích cực; đặc biệt bước sang quý III năm 2024, nhiều chương trình kết nối giao thương được tổ chức; các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp tích cực triển khai. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm. Hoạt động thương mại và dịch vụ khá sôi động do kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng lên; nhất là hoạt động lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26.144,255 tỉ đồng, tăng 12,93% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81,7% so với kế hoạch năm 2024.
Theo đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và khu vực nhưng tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, đặc biệt quý III/2024, các hoạt động thương mại và kinh doanh dịch vụ khôi phục và đạt mức tăng trưởng khá (đạt trên 80% so kế hoạch đề ra); dịch vụ du lịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa; lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp do bước vào mùa du lịch, tỉnh tổ chức Lễ hội, các sự kiện đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và nghỉ dưỡng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cấp hàng hóa được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực ngành Công Thương, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Trường Khoa cho biết.