Thứ sáu 27/12/2024 17:56

Quảng Ninh xin nhường 100 tỷ hỗ trợ: Phát huy tinh thần 'nhường cơm sẻ áo'

Dù bị bão số 3 tàn phá nặng nề, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị không nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để nhường cho tỉnh khác.

4 người chết, 157 người bị thương, 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng… là những thống kê thiệt hại sơ bộ tại Quảng Ninh sau cơn cuồng nộ bão số 3. Đây là địa phương bị cơn bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh là vô cùng lớn - Ảnh: Thanh Tùng

Không để Quảng Ninh phải một mình chống chọi cơn bão, lũ, cả nước đã hướng về đất mỏ với tấm lòng sẻ chia. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục có các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai; các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an, quân đội, đã huy động tối đa lực lượng cho nhiệm vụ này.

Chiều ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp có mặt tại địa phương để chia sẻ, động viên các đơn vị, tổ chức cùng toàn thể nhân dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cùng lực lượng vũ trang; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong công tác khắc phục thiệt hại từ cơn bão. Có hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai các dự án, công trình khẩn cấp; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị viễn thông ưu tiên hỗ trợ, xử lý sớm tình trạng mất điện, mất mạng viễn thông để nhân dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, chia sẻ, động viên với tỉnh Quảng Ninh sau cơn bão số 3.

Đáng chú ý, trước đó, tại hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình khắc phục thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 trực tuyến sáng ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tạm thời cho Quảng Ninh 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão.

Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề xuất sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung.

Trước hết phải khẳng định, hành động kịp thời của người đứng đầu Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã thể hiện trách nhiệm, chính sách an sinh xã hội, tinh thần nhân văn, nhân ái, không nơi nào bị bỏ lại phía sau.

Thiên tai là điều không mong muốn. Các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần... Trong bối cảnh như vậy, việc Quảng Ninh xin nhường 100 tỷ hỗ trợ đã thực sự gây bất ngờ. Lý do được lãnh đạo tỉnh giải thích là "mong muốn được nhường hỗ trợ này cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn do mưa lũ và sạt lở".

Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình từ chính người dân địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng.

Xin không nhận không phải vì đã hết khó khăn. Nói cách khác là cơ sở hạ tầng vẫn thiệt hại nặng nề, vẫn còn người dân khó khăn, song tỉnh "tự lo, tự cân đối được" và mong "nhường cơm sẻ áo", chia sẻ với các vùng khó khăn hơn. Tinh thần này rất đáng trân trọng và cần được khuyến khích, cho thấy ý thức của lãnh đạo tỉnh rằng "vươn lên sau bão" trước hết là việc của mình; thể hiện tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao của địa phương.

Khu vực Bãi Cháy bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra - Ảnh: Thanh Tùng

Từ việc "Quảng Ninh nhường 100 tỷ" nhớ lại thời điểm năm 2020 - 2021, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tạm thời đóng cửa. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua gia đoạn khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ bằng gói an sinh 62.000 tỷ đồng. Tại Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bày tỏ nguyện vọng không nhận hỗ trợ vì mong muốn góp sức cùng cả nước phòng, chống dịch hiệu quả, nhường lại cho những người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hay như hơn 2.000 người dân huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc diện các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo; gần 2.000 công nhân, lao động tự do, sinh viên tại các khu trọ ở phường Linh Trung, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để nhường cho những người khó khăn hơn.

Những nghĩa cử cao đẹp này đã một lần nữa nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái của người Việt Nam cùng nhau chia sẻ với Chính phủ để quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.

Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, hai địa phương Quảng Trị và Quảng Bình cũng gây chú ý khi bất ngờ rút khỏi danh sách xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói.

Trước đó, 2 tỉnh này cùng 14 địa phương khác đề nghị hỗ trợ hơn 14.100 tấn gạo cứu đói cho trên 181.000 hộ dân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đang gặp khó khăn với hơn 935.000 nhân khẩu.

Quảng Bình, Quảng Trị xưa nay vẫn được coi là những tỉnh nghèo. Số gạo mà Nhà nước trợ cấp sẽ có ý nghĩa quan trọng, song nói với báo chí, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh: "Chăm lo cho người nghèo thì trên tinh thần là tự mình đứng dậy, người nghèo cũng phải tự mình đứng dậy - trên cơ sở hỗ trợ của chính quyền và xã hội - chứ không thể đi xin mãi được".

Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt tư duy của người đứng đầu địa phương. Tư duy "tự đứng dậy" cũng mang tính truyền cảm hứng rất lớn đối với người nghèo, động viên người dân phải nỗ lực thoát nghèo chứ không phải "ráng nghèo bền vững" để hưởng trợ cấp.

Thời gian qua, hàng trăm gia đình từ các vùng miền núi, vùng nông thôn khó khăn cũng đã có những hành động đẹp, đó là viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, họ muốn nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống… Đây cũng là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân.

Quay trở lại câu chuyện ở Quảng Ninh, cùng với phát triển kinh tế, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cũng chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh trong chăm lo, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

Cơn bão số 3 qua đi, tỉnh Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả bão, gồm cả lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Quảng Ninh thiệt hại không phải là nhỏ nhưng với tinh thần tương thân tương trợ quý giá, tin rằng nhân dân Quảng Ninh sẽ sớm khắc phục hậu quả cơn bão và tiếp tục phát triển hơn nữa!

Hi vọng rằng tinh thần "tự lực tự cường" của Quảng Ninh, Quảng Bình và Quảng Trị sẽ tiếp tục được lan tỏa đến các địa phương khác.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 30.774 tỷ đồng, bằng 58% dự toán Trung ương giao (bằng 55% dự toán tỉnh giao, bằng 105% kịch bản 6 tháng, bằng 106% so với cùng kỳ 2023).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nếu không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) đạt 97,94% so với Hà Nội.

Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. Hồ Chí Minh với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin cùng chuyên mục

Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội: Cần bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế cho người dân

Bắc Giang bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguy cơ từ thiết bị bay siêu nhẹ, Bộ Quốc phòng đưa ra giải pháp gì?

Nhân sự 26/12: Thủ tướng giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; tỉnh Kiên Giang có tân Chủ tịch HĐND

Dự báo thời tiết biển hôm nay 27/12/2024: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 27/12/2024: Bắc Bộ rét về đêm và sáng sớm, Nam Bộ có mưa

LogiChain 2024: Góp sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics

Tối 26/12, lại tìm thấy khách hàng trúng tiền tỷ Vietlott Power 6/55

Truyền thông quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng

Công đoàn VEAM: Điểm tựa cho người lao động

Bộ Nội vụ thông tin về việc bổ sung biên chế giáo viên

Doanh nghiệp da giày, dệt may thưởng Tết Nguyên đán 2025 ra sao?

TP. Hồ Chí Minh: Vì sao 2 đơn vị vận tải Đông Á và Hồng Hà bị thu hồi giấy phép?

Lịch chi trả lương hưu tháng 1 và 2 năm 2025 tại một số địa phương trên cả nước

Đoàn viên công đoàn thực hiện nghiêm túc việc đổi mới, sắp xếp tinh giản bộ máy

Khách hàng tại Đà Nẵng trúng Vietlott Power 6/55 hơn 135 tỷ đồng cuối năm

Nhân sự 25/12: Công an Thái Bình bổ nhiệm lãnh đạo; Bắc Giang điều động hai Phó Giám đốc sở

Dự báo thời tiết biển hôm nay 26/12/2024: Vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 26/12/2024: Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường

Công ty Thủy điện Sông Bung tri ân khách hàng: Lan tỏa yêu thương đến vùng cao