Quảng Ninh: Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch
Dịch bệnh kéo dài đang làm cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch rơi vào tình trạng kiệt quệ, không có nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động, kéo theo đó là trên 5.000 lao động bị giảm ngày công, mất việc làm. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long vay tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.
Hàng trăm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long phải "nằm" bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hộ kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tổ chức cùng sự tham gia của hơn 90 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch cùng đại diện Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức liên quan.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch kiến nghị những vấn đề liên quan đến chính sách cơ cấu lại khoản vay; kéo dài thời gian hỗ trợ giãn, hoãn các khoản nợ gốc và lãi đối với các dự án vay đóng tàu du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động để phục hồi hoạt động...
Ông Nguyễn Văn Phượng – Chi hội phó Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long cho biết: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, các chủ tàu phải chấp nhận hạ giá vé để phục vụ khách trong nước, tuy nhiên cũng chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, gián đoạn, số lượng khách nhỏ lẻ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, các ngân hàng đã tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động theo các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp được tổ chức tín dụng áp dụng hỗ trợ lãi suất theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Không có nguồn thu nhưng các chủ tàu vẫn phải chi tiền phí bến cảng, tiền bảo vệ, bảo trì tàu, tiền lương và các khoản bảo hiểm cho thuyền viên… khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ |
Tuy nhiên với thời gian trả nợ quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN đến cuối năm 2021 sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ cần chính sách dài hơi hơn và đồng bộ để "cứu" doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu, tổng hợp và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành để cho ý kiến.
Trước đó, ngày 18/5, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như: Giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn cho đến khi có thông báo chấm dứt dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất được hỗ trợ cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt. Ngoài ra, hội cũng đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng có chính sách ân hạn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 1-5 năm sau thời gian chấm dứt dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn thu để đóng thuế và hồi phục, phát triển.