Thứ hai 02/12/2024 22:25

Quảng Ninh: Nông sản lên sàn thương mại điện tử, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại

Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh Quảng Ninh.

Chinh phục thị trường online

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong thời đại 4.0, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là người dân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các nền tảng tiêu dùng số. Qua đó, người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản đã hòa nhập xu thế thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy quảng bá và đưa nông sản đến người tiêu dùng cả nước.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện duy trì hơn 1.000 ha diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP. Trong đó, có nhiều mô hình nổi bật như: Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại thị xã Đông Triều; vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà; vùng trồng hoa tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên; vùng trồng cây dong riềng tập trung tại Bình Liêu, Tiên Yên; vùng trồng chè tập trung tại Đầm Hà, Hải Hà…

Phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam tại vườn thu hút được đông đảo người tiêu dùng theo dõi. Ảnh: Cao Quỳnh

Trước đó, vào tháng 5/2024, với mục tiêu tăng cường truyền thông quảng bá về quả vải chín sớm Phương Nam, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức 2 phiên livestream giới thiệu về sản phẩm này tại vườn, cũng như kết hợp trong chương trình Tuần hàng Việt Uông Bí 2024. Mỗi phiên livestream kéo dài khoảng 1 tiếng, thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và tương tác. Thông qua cách bán hàng này, quả vải chín sớm Phương Nam đã được tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, đồng thời mở ra cho bà con nông dân vùng vải chín sớm kênh quảng bá, bán hàng mới, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Trà - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP. Uông Bí) - cho biết, đối với người nông dân, kênh bán hàng qua thương mại điện tử thực sự là hướng đi rất mới mẻ, nhưng có thể thấy được tiềm năng và thế mạnh của nó.

"Năm nay, nhờ việc livestream mà quả vải chín sớm Phương Nam được người dân trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ biết đến nhiều hơn. Giá trị kinh tế cũng hiệu quả hơn, mỗi cân vải có thể bán được từ 50.000 - 60.000 đồng, trong khi bán theo hình thức truyền thống thường từ 35.000 - 40.000 đồng/kg", ông Trà cho hay.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử, từ đó, có những bước phát triển tích cực, mở rộng được thị trường và ngày càng khẳng định thương hiệu.

Ông Trần Văn Hậu - Chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) - quay hình để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hà Vũ

Ông Trần Văn Hậu - Chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) - chia sẻ với truyền thông cho biết, những đơn đặt hàng cam Vạn Yên không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía Nam, từ những đơn hàng 5 - 10kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu.

"Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn từ chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như Ocopquangninh, Tiki, Sendo, Voso… Gia đình tôi đã bán được 15 tấn quả cam qua sàn", ông Hậu chia sẻ.

Theo lãnh đạo xã Vạn Yên, từ khi chuyển đổi số, nhiều hộ gia đình trong xã đã mong ước bán được quả cam có giá cao, không bị thương lái ép giá. Mong muốn của những hộ trồng cam ở Vân Đồn đã dần trở thành hiện thực; đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển nông sản chủ lực của địa phương. Ông Hậu là một trong số các hộ dân 4.0 thành công đưa sản phẩm cam Vạn Yên lên sàn thương mại điện tử.

Là một doanh nghiệp sản xuất trà hoa vàng của huyện Hải Hà, ông Lê Đức Anh - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và xuất nhập khẩu Quy Hoa - cho biết, thời gian đầu, Trà hoa vàng Quy Hoa gần như không có chỗ đứng trên thị trường. Song song với đầu tư, chăm chút từng sản phẩm làm ra, công ty tận dụng tối đa ưu thế công nghệ, mở nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, thường xuyên chia sẻ về cây trà hoa vàng, quá trình làm trà để tăng độ nhận diện, cũng như bán hàng 24/24h trên các nền tảng thương mại điện tử để tạo thuận tiện nhất cho khách hàng. Từ đó, công ty nhận được nhiều phản hồi để cải tiến sản phẩm, để Trà hoa vàng Quy Hoa trở thành một sản phẩm OCOP 5 sao như hiện nay.

Đồng hành cùng người dân

Tăng độ nhận diện trên quy mô lớn, tăng cơ hội quảng bá sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, không giới hạn thị trường và thời gian, không gian bán hàng… là những lợi ích rất lớn của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống. Cũng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng nhận được những đánh giá công tâm nhất từ phía người tiêu dùng, để từ đó nghiên cứu cải thiện, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tiếp theo, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.

Quang cảnh tập huấn Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Quảng Ninh. Ảnh: Lê Giang

Trong hai năm qua, tỉnh tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Cuối năm 2024, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng được nâng cấp với nhiều tính năng hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Kiên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh - cho biết, ngành Công Thương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ thiết thực nhất cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia và sử dụng thương mại điện tử đạt hiệu quả cao.

Trung tâm cũng phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, khóa tập huấn chuyên sâu cho lực lượng thực thi pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến để bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh chính đáng cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tại Quảng Ninh, trong thời gian này, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hoạt động thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông năm 2024, tại địa chỉ: http://ocopquangninh.com.vn. Đồng thời, tận dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, YouTube để truyền thông rộng rãi, tạo nội dung hấp dẫn và dễ chia sẻ để thu hút người tiêu dùng trong tỉnh và trên toàn quốc.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách đưa sản xuất công nghiệp 'vượt khó'

Quảng Ninh vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch tàu biển quốc tế

Quảng Ninh thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế

11 tháng năm 2024, Nam Định xuất siêu 1,007 tỷ USD

11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nam Định tăng 14,8%

Quảng Ninh thu hút lượng lớn du khách quốc tế bằng đường biển

Quảng Ninh phát triển thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sơn La: đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại nông sản

TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, hàng loạt mặt bằng “chật vật” tìm khách thuê

Bạc Liêu: Đẩy mạnh sản xuất và quảng bá hiệu quả các sản phẩm OCOP

Công bố Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã tỉnh Quảng Nam

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Ninh chú trọng phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Quảng Ninh: Mỗi sản phẩm OCOP là một 'đại sứ du lịch'

Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc về đích kế hoạch năm

Tỉnh Lạng Sơn, Hậu Giang có tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Hoàng Văn Nghiệm được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp

Quảng Nam: Huyện Nam Trà My xuất hiện sạt lở sau dư chấn động đất

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương tạo điều kiện khai thác tiềm năng di sản, thu hút đầu tư