Quảng Ninh: Nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động
Tăng cường kiểm tra công tác ATVSLĐ, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao |
Số vụ tại nạn lao động có chiều hướng tăng
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, tổng số vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh là 35 vụ, làm chết 38 người. Chi phí thiệt hại do TNLĐ năm 2017 (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp) là 28,026 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại về tài sản 7,138 tỷ đồng; chi phí y tế, mai táng, trả lương, tiền bồi thường, trợ cấp cho gia đình người bị nạn và những người bị thương 20,888 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ 37.852 ngày.
Số liệu thống kê mới nhất trong 6 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 cho thấy, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tổng số vụ TNLĐ tăng 12 vụ (4,7%); tổng số nạn nhân tăng 9 người (3,4%); số người bị thương nhẹ giảm 11 người (11,3%); số người bị thương nặng tăng 24 người (15,3%); số vụ TNLĐ chết người giảm 4 vụ và số người chết giảm 4 người. Các vụ tai nạn xảy ra liên quan đến máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải cán cuốn, chèn ép, va đập chiếm tỷ lệ cao nhất. Lĩnh vực, ngành nghề hay để xảy ra TNLĐ là: Khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ do trình độ, kinh nghiệm, tác phong làm việc của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội. Ngoài ra, có một phần lỗi gián tiếp và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động như: Công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao, chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công, phân công công việc không cụ thể, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đầy đủ…
Nâng cao ý thức làm việc
Để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đơn vị có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đặc biệt, kiên quyết đình chỉ, dừng sản xuất, thi công khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố, TNLĐ; tập trung vào lĩnh vực thi công xây dựng công trình khu dân cư. Với lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công, cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đối với DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức rà soát và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác tự kiểm tra tại DN, có biện pháp kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Tổ chức đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ để có giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy, nổ tại nơi làm việc.
Đặc biệt, năm 2018, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng lồng ghép về ATVSLĐ...
Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các địa phương, đơn vị, DN, hợp tác xã…, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao như: Khai thác khoáng sản, cơ khí, xây dựng… |