Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ với công nghiệp chế biến, chế tạo
Động lực tăng trưởng mới
Là ngành kinh tế mới của tỉnh Quảng Ninh, nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo với sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp được xác định là một trong ba trụ cột chính của nền công nghiệp. Những năm qua, ngành luôn duy trì mức tăng trưởng khá, đóng vai trò là ngành dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đây là nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", khẳng định sự ưu việt của Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025.
Với sự quyết liệt từ tỉnh, chủ động từ các nhà đầu tư thứ cấp, các doanh nghiệp, ngành công nghiệp trọng điểm này đang tiếp tục có sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Các chuyên gia căn chỉnh, vận hành thử nghiệm thiết bị Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng. Ảnh: Đỗ Phương |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều dự án thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nền tảng đã được triển khai, như: Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện (công nghệ phụ trợ cho sản xuất ô tô) tại khu công nghiệp Việt Hưng; các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, sợi tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Yên; chuỗi dự án sản xuất tấm quang năng Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai và khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1); các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử tại Khu công nghiệp Đông Mai...
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư, là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công. Là dự án nhà máy ô tô đầu tiên được triển khai tại Quảng Ninh nên được lãnh đạo tỉnh kỳ vọng sẽ bổ sung năng lực mới cho /chu-de/nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao.topic.
Sau hơn 2 năm thi công, hiện các hạng mục chính của nhà máy cơ bản hoàn thành, gồm: Hệ thống nhà xưởng hàn, sơn, lắp ráp, cơ điện và các công trình phụ trợ như trạm LPG, trạm khí nén, đường thử… Các phân khu chức năng kiểm soát chất lượng đã hoàn thiện chạy thử vào đầu tháng 5/2024. Dự kiến, trong quý IV/2024, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử.
Không chỉ có dự án nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên, mà Quảng Ninh còn thu hút được một số dự án công nghiệp phụ trợ của ngành ô tô. Có thể kể đến đó dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu.
Cũng tại Khu công nghiệp Sông Khoai, còn có dự án của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.
Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án phụ trợ ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, Dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.
Việc Quảng Ninh có dự án trong lĩnh vực sản xuất ô tô và phụ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Quyết tâm đạt những mục tiêu lớn
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tình sẽ chiếm tỷ trọng hơn 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới.
Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt hơn 100.000 tỷ đồng; tạo ra khoảng 50.000 chỗ làm việc mới.
Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để “hút” các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - Ảnh: Thành Đạt |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông động lực kết nối các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn với các trung tâm kinh tế của miền Bắc, như: Cầu Bến Rừng; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển Quảng Yên, hạ tầng các khu công nghiệp Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng...
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang triển khai hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và nâng cao chất lượng thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp...
Ông Phạm Duy Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Những kết quả phát triển đột phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả phát triển chung của tỉnh. Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh".