Quảng Nam: Một người tử vong do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"
Ngày 23/10, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị vừa nhận được báo cáo của một bệnh viện liên quan đến ca bệnh Whitmore hay còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Cụ thể, ngày 11/10, nữ bệnh nhân N.T.T.V (sinh năm 1976, trú tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Quảng Nam trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.
Sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân có bệnh kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm; biến chứng suy hô hấp, tăng đường máu cấp.
Bệnh nhân được chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, X quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đàm...
Đến 16 giờ 45 ngày 11/10, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên bệnh nhân được hội chẩn và thống nhất chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Ngày 14/10, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (gây ra bệnh Whitmore).
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore |
Bệnh Whitmore "vi khuẩn ăn thịt người" (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) là một bệnh nhiễm khuẩn ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Bệnh lây sang người khi hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn hoặc qua vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất tại vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng.
Bệnh Whitmore "vi khuẩn ăn thịt người" là bệnh lý nghiêm trọng, chủ yếu xuất hiện ở các khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Loại vi khuẩn gây bệnh Whitmore được tìm thấy ở nguồn nước bẩn và trong đất có tên là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn lây lan qua người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn chứa mầm bệnh, đặc biệt là khi da bị trầy xước.
Điều đáng nói, vi khuẩn gây bệnh kháng với rất nhiều kháng sinh thường gặp, điều này làm cho bệnh khó điều trị. Nếu không được điều trị, người mắc bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.