Thứ sáu 09/05/2025 16:51

Quảng Nam: Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa làng

Trong những cuộc dời làng để đi đến mảnh đất mới vì thiên tai bão lũ, liệu đồng bào dân tộc thiểu số có đủ sức để mang văn hoá làng đi theo?

Sắp xếp dân cư vùng núi

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện đề án tái bố trí sắp xếp dân cư nhằm đưa người dân miền núi về nơi ở mới an toàn hơn trước thiên tai, bão lũ.

Tại huyện Tây Giang, với đồng bào các dân tộc miền núi, văn hoá chung của họ là văn hoá làng, sống quây quần thành từng cụm với những nét văn hoá riêng. Vì thế, muốn người dân chuyển về nơi ở mới, điều tiên quyết là phải giữ được “nếp làng”.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết "Thường mặt bằng sắp xếp dân cư của Tây Giang thì người dân ở xung quanh mặt bằng, vị trí trung tâm là cái Gươl, là một trong những thiết chế văn hoá mang tính truyền thống. Đây cũng là nơi sinh hoạt cũng như triển khai các chính sách của Đảng đến với nhân dân".

Văn hoá chung của đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam là văn hoá cộng đồng

Với huyện Nam Trà My, nhiều năm trở lại, nơi đây đối mặt với không ít thách thức liên quan đến thiên tai, có những ngôi làng gần như bị xoá sổ sau một trận sạt lở, kéo theo cuộc sống hàng trăm đồng bào trở nên khó khăn. Trong những cuộc dời làng để đi đến mảnh đất mới, đồng bào thiểu số có đủ sức để mang văn hoá đi theo?

Ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, trong quá trình sắp xếp dân cư, việc bảo tồn văn hoá quan trọng nhất vẫn là chủ thể của người dân, vì văn hoá nằm trong tiềm thức, trong bản năng, nếp sống của họ. “Chúng tôi chỉ tuyên truyền để người dân thấy những gì tốt đẹp họ sẽ tự giữ lại như cây nêu, giếng nước, nhà quật (nhà cúng - PV); hủ tục thì khuyến khích loại bỏ. Việc này không thể một sớm một chiều, dù vậy xã vẫn cố gắng tác động để bà con gìn giữ nét văn hoá mang tính nguyên bản nhất có thể”, ông Lạc chia sẻ.

Việc sắp xếp dân cư ở Nam Trà My đã và đang mang lại hiệu quả khá cao, nhất là trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho người dân, giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp, đây cũng là tín hiệu tốt để thực hiện chăm lo đời sống tinh thần của người dân.

Giữ gìn và phát huy “nếp làng”

Tại nhiều ngôi làng tái định cư, bà con vẫn duy trì được nếp sống vì ở đó có người tổ chức tốt, niềm tin cộng đồng còn mạnh, tinh thần đoàn kết cao. “Những gì thuộc về văn hoá truyền thống, bản năng của họ, họ sẽ có ý thức tự giữ gìn, những giá trị tốt đẹp, được cộng đồng thừa nhận sẽ được lưu trữ qua nhiều đời. Nếu giữ được môi trường để họ thích nghi thì chắc chắn văn hoá sẽ được bảo tồn”, ông Lạc cho biết thêm.

Ngoài việc tôn trọng nếp sinh hoạt của đồng bào và thông tin của già làng để người dân dần từ bỏ những hủ tục lạc hậu, Quảng Nam còn giữ gìn và phát huy những nét văn hoá truyền thống như dệt vải, may vá, múa cồng chiêng... bằng hình thức trao truyền cho thế hệ sau, thông qua những lễ hội truyền thống, qua các sản phẩm du lịch văn hoá.

Chị Trần Thị Nua (người dân xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ “Lúc chuẩn bị tham gia các lễ hội của huyện Nam Trà My tổ chức thì xã sẽ triệu tập lại các nghệ nhân và truyền lại cho lớp trẻ chúng em học để tham gia tại lễ hội”.

Nghi thức rước thần Sâm - tái hiện lễ cúng Thần sâm của đồng bào Xê Đăng nơi rẻo cao

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - Ông Nguyễn Thanh Hồng thông tin, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các địa phương để định hướng cho các địa phương làm sao xây dựng các mô hình để bảo tổn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống kết hợp với phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm sao để phát huy các giá trị các sản phẩm kinh tế nhưng vẫn có giá trị yếu tố văn hoá gắn kết trong đó.

Để thuyết phục đồng bào các dân tộc miền núi tái bố trí, sắp xếp dân cư một cách an toàn và hiệu quả, Quảng Nam đã tôn trọng giá trị truyền thống và tạo cơ hội để phát triển văn hoá đó trên vùng đất mới.

Hạ Vĩ
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục