Thứ tư 27/11/2024 13:38

Quảng Nam: Các xã miền núi “ngại” phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

Giai đoạn 2021- 2025, nhiều địa phương miền núi "ngại" phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, do đó, tỉnh Quảng Nam khó đạt mục tiêu do Trung ương giao.

Vì sao nhiều địa phương miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới?

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64%. Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 155 xã). Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Quảng Nam: Các xã miền núi “ngại” phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

Lý giải về vấn đề này, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, các xã miền núi cao, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn (KV1).

Mặt khác, giai đoạn trước đây khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ tiêu đạt chuẩn áp dụng tại các xã thuộc khu vực miền núi phía Bắc, tuy nhiên, hiện nay áp dụng theo khu vực duyên hải Nam Trung bộ, nên khi rà soát theo Bộ tiêu chí mới thì gần 50% số tiêu chí không đạt chuẩn, nguy cơ cao bị thu hồi quyết định công nhận.

Một vấn đề nữa được đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam nhắc đến đó là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức...), trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó.

Thực trạng của tỉnh Quảng Nam hiện nay ở một số xã, cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế ở vùng đặc biệt khó khăn, sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đã làm đơn xin chuyển công tác sang các địa bàn lân cận để được hưởng chế độ an sinh xã hội của xã đặc biệt khó khăn.

Do vậy, nhiều địa phương miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, khó thực hiện đạt mục tiêu do trung ương giao (đạt ít nhất 80% số xã).

Khó ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia

Các huyện đồng bằng tại Quảng Nam đã có 90 - 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều thuộc xã đặc biệt khó khăn, huyện miền núi cao, thuộc địa bàn đầu tư của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững).

Các xã này hiện nay không được phân bổ vốn Ngân sách Trung ương từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà phải sử dụng nguồn từ 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại. Tuy nhiên, 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại cũng cần cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu của từng Chương trình mình nên việc lồng ghép để xây dựng nông thôn mới còn khó khăn.

Tại Nghị quyết 25/2021/NQ-QH Quốc hội chỉ đạo HĐND tỉnh: “Xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện chương trình trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Thực tế hiện nay cho thấy, có những nội dung, nhiệm vụ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không đủ điều kiện đầu tư, trong khi đó, nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nguồn nhưng không thể đầu tư. Dẫn đến tình trạng những xã của địa bàn đặc biệt khó khăn, huyện nghèo có một số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025, nếu không đầu tư thì không đạt chuẩn sẽ không đạt mục tiêu đề ra.

Do khó khăn trong xác định nội dung bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia nên nhiều tỉnh cũng chưa ban hành cơ chế lồng ghép, nhất là việc lồng ghép 3 nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia trong 1 dự án.

Nếu 1 xã đặc biệt khó khăn có 10km đường xã, để đạt chuẩn nông thôn mới thì 100% đường xã này phải được đầu tư bê tông hóa; nếu vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đầu tư 4km, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội miền núi đầu tư 4km; còn lại 2km thì Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đầu tư thì mới đạt chuẩn, nhưng đầu tư từ Ngân sách Trung ương sẽ không được; vậy có chồng chéo, trùng lặp về phạm vi (đều đầu tư địa bàn đặc biệt khó khăn), đối tượng (đều đầu tư hạ tầng), nội dung (đều đầu tư đường giao thông) giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia?

Hay như công tác truyền thông, tuyên truyền, thì đối với 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại (miền núi và giảm nghèo) đã có hợp phần này nên chỉ sử dụng 1 nguồn để tuyên truyền, truyền thông cho cả 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi một chương trình có nội dung, cách thức thực hiện tuyên truyền khác nhau nên việc xử lý chồng chéo trong công tác tuyền thông cũng rất khó khăn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương cần hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh có điều kiện xây dựng cơ chế lồng ghép.

Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất, đối với các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới thì đối với các chế độ an sinh xã hội cho người dân nên cho phép người dân được hưởng thêm 5 năm, kể từ năm đạt chuẩn nông thôn mới để giảm bớt khó khăn cho người dân ở các xã ở miền núi. Đây cũng là những địa phương rất khó khăn và luôn bị thiệt thòi sau các đợt mưa, lũ.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Thêm cơ sở để áp thuế VAT 5% với phân bón

Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững

Rạng Đông - Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp

Dự báo cường độ bão số 7 sẽ suy yếu dần khi đi qua quần đảo Hoàng Sa

Hội nghị Nấm học toàn quốc tại Đà Nẵng: Kết nối nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp

Tập đoàn Hùng Nhơn ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Olmix (Pháp)

Lâm Đồng: Sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để thu hút nhà đầu tư

Phải chuẩn bị phương án ứng phó cao nhất với bão số 6

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC

Hà Nội: Hiệu quả cao từ chuyển đổi số trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông thôn mới đạt dưới 50%

Thừa Thiên Huế: Còn nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm làng nghề

Thái Bình: Mô hình OCOP thành công từ ngành chăn nuôi và thủy sản

Lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát quý 3/2024 tăng 80% so với cùng kỳ

Nhiều khó khăn đang ‘kìm hãm’ sự phát triển du lịch canh nông tại Lâm Đồng

Xây dựng hàng lang pháp lý về sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

Chủ tịch tỉnh Gia Lai làm việc với chủ đầu tư dự án nông nghiệp gần 1.000 tỷ đồng

Bình Điền đồng hành cùng chương trình Tự hào nông dân Việt Nam

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nông dân mong muốn được tháo gỡ vốn, đất đai, thị trường

Chăn nuôi công nghệ cao giúp nông nghiệp Việt vươn ra thế giới