Quảng Bình: Phạt xe buýt vi phạm tốc độ hơn 2000 lần trong một tháng
Một tháng xe buýt vi phạm hơn 2000 lần tốc độ
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, qua văn bản về việc "thu hồi phù hiệu, biển hiệu do phương tiện vi phạm tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình" có trường hợp các xe bus vi phạm tốc độ nhiều lần trong tháng. Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã có văn bản số 448/QĐ- SGTVT ra ngày 23/5/2023 về việc "thu hồi phù hiệu, biển hiệu do phương tiện vi phạm tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình". Đáng chú ý, 18 xe bus vận tải hành khách của Công ty Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Quảng Bình có địa chỉ tại số 404 Phan Đình Phùng, tổ dân phố 7, Phường Bắc Lý, Tp Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình có số lần vi phạm hơn 2000 lần trong tháng 3/2023.
18 xe buýt của công ty Công ty Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Quảng Bình 1 tháng vi phạm tốc độ hơn 2000 lần |
Cụ thể, trong Quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 111 phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải do có từ 05 lần vi phạm tốc độ 1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống) trong tháng 3 năm 2023. Trong danh sách này, đối với xe Bus của Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Quảng Bình có 18 phương tiện vi phạm, lần lượt mang biển kiểm soát 73B01067 có 490 lần vi phạm tốc độ; 73B00616 có 291 lần vi phạm tốc độ; 73B01052 196 lần vi phạm tốc độ; 73B01029 184 lần vi phạm tốc độ; 73B00612 148 lần; 73B00682 có 144 lần; 73B01057 có 133 lần; 73B01092 131 lần; 73B01084 có 127 lần; 73B01069 có 113 lần; 73B00614 có 102 lần; 73B01075 có 101 lần; 73B01088 có 97 lần; 73B00697 có 68 lần; 73B01062 có 66 lần;73B00610 có 62 lần; 73B01076 có 60 lần;73B01074 có 50 lần.
Vì những vi phạm nêu trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm tại, chậm nhất sau 07 ngày kể từ khi Quyết định được ban hành phải nộp lại phù hiệu về cho Sở Giao thông vận tải. Không được sử dụng phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định tại điểm b, Khoản 12, Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức kiểm điểm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ và thời gian lái xe, thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục và truyền dẫn dữ liệu theo quy định trong suốt quá trình tham gia giao thông; Nếu đơn vị có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện để tham gia hoạt động kinh doanh vận tài thì phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái- Sở Giao thông vận tỉnh Quảng Bình cho hay, theo quy định về xử lý vi phạm, các xe trên bị tịch thu phù hiệu do vi phạm về tốc độ, ngay sau khi có quyết định các đơn vị liên quan đã làm thủ tục để cấp phù hiệu mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải; phía đơn vị Sở cũng không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ có văn bản nhắc nhở.
Xe buýt “thích đâu dừng đó”
Thời gian vừa qua, PV Báo Công Thương cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng hoạt động "vô tổ chức" của một số xe Bus (buýt) trên địa bàn Quảng Bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, tuyến xe buýt Tp. Đồng Hới - thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đi vào hoạt động từ năm 2016, đây là tuyến buýt khai thác có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Xe buýt giúp việc di chuyển cho bà con nhân dân tại các địa phương trong tỉnh một cách thuận lợi và góp phần cho hoạt động giao thông vận tải hành khách một cách văn minh và hiện đại hơn.
xe buýt tuyến TP Đồng Hới- TT Kiến Giang dừng trả hàng cho khách ở địa điểm không có biển dừng đỗ dành cho xe buýt. |
Tuy nhiên, trong nhiều hướng tích cực của tuyến xe buýt nói trên thì việc thời gian qua tình trạng xe buýt hoạt động một cách "vô tổ chức" trong việc dừng đỗ, đón trả khách và hàng hoá gây nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. Cụ thể, khi đã có biển, bảng hiệu quy định nơi dừng đỗ phương tiện đón trả khách nhưng nhiều xe buýt chạy ở tuyến Đồng Hới- thị trấn Kiến Giang và Đồng Hới - thị xã Ba Đồn vẫn dừng đổ " vô tội vạ" theo kiểu thích đâu thì tấp đó, tiện đâu dừng đó. Đáng chú ý, ngoài đón trả khách theo kiểu tuỳ hứng, các xe buýt còn kiêm luôn vận chuyển hàng hoá giao nhận cho khách hàng có nhu cầu.
Anh Nguyễn Văn Thành Đạt- Kiến Giang chia sẻ, có những lúc đang đi trên đường xe Bus tấp vào đột ngột để trả khách và hàng hoá khiến người đi đường bất ngờ, không đảm bảo được khoảng cách an toàn. Như vậy có thể gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.
Bà Nguyễn Thị Tú- Phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới cho hay, từ khi có tuyến xe buýt việc đi lại thăm con cháu ở các địa phương khác dê dàng và chủ động hơn. Tuy nhiên, có hôm đi đúng giờ tan học của các cháu học sinh, xe đã chật cứng người, các cháu thì chen nhayu lên xe để mong sớm về nhà, nhà xe thì mấy cũng nhồi nhét, như vậy hành khách vừa khó chịu, mức độ an toàn giao thông, văn minh giao thông cũng giảm đi phần nào.
Trong họat động giao thông việc dừng đổ không đúng điểm quy định, bất ngờ rẽ xe theo nhiều hướng đôi lúc gây ra những va chạm, hoặc sự cố tai nạn giao thông đáng tiếc cho người đi đường. Để tránh mang biệt danh “hung thần xe buýt” thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên vào cuộc kiểm tra hoạt động dừng và đón trả khách, hàng hóa của các tuyến xe buýt trên nhằm đảo bảo cho hoạt động giao thông văn minh và hiện đại hơn, an toàn giao thông cao hơn cho hành khách sử dụng dịch vụ và người tham gia giao thông.