Thứ bảy 21/12/2024 05:27

Quản lý thị trường phát hiện nhiều sai phạm bán hàng trên Google, Facebook

Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của kinh doanh trực tuyến, đặc biệt Google, Facebook để mua bán hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xử lý triệt để sai phạm thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang là “mảnh đất” màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí hàng cấm. Thậm chí, nhiều shop còn trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, có không ít bài báo, video clip… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam bị các đối tượng ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên trên các nền tảng Youtube, Facebook để trục lợi quảng cáo gây ảnh hưởng uy tín nặng nề cho các đơn vị này.

Thực tế mỗi năm, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử. Dù vậy, đến nay tình trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để và đã làm giảm độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Đơn cử, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại thành phố Lào Cai, đối tượng kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thành công.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt thị trường hàng hóa trên nền tảng số

Hay mới đây, lực lượng quản lý thị trường Điện Biên vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 website về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử với số tiền phạt 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi, do vậy, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.

Hơn nữa mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng. Đơn cử như vụ thu giữ ở Thanh Hóa hồi tháng 4/2022, đối tượng sử dụng 2-3 địa điểm, nơi bán hàng riêng, nơi livestream riêng và kho lại ở một chỗ khác. Trong khi rất khó tiếp cận các địa điểm này vì đối tượng ở khu vực quân sự có đơn vị chức năng bảo vệ, ra vào rất khó khăn. Hoặc đối tượng sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng tại Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều sai phạm, đặc biệt là thông qua các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Bộ này cho biết, đã nhiều lần có công văn đề nghị tổ chức, doanh nghiệp trong nước khi hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới phải rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra các hành vi như: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá…); quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp)…, nhưng vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên.

Nguyên nhân khác là do quy định của pháp luật hiện hành đã vô tình “bỏ quên” các nền tảng xuyên biên giới. Cụ thể, Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo tuy đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, song chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam. Chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe, chưa khả thi trong thực tế.

Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Quyết liệt ngăn chặn vi phạm

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ một số quy định không khả thi và không phù hợp với thực tế, bổ sung trách nhiệm cụ thể hơn của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội kiến nghị, đối với sai phạm trong quảng cáo trực tuyến, nhiều khi yêu cầu gỡ bỏ đối với Facebook, YouTube… khá gian nan, do trụ sở các đơn vị này đều ở nước ngoài. Vì vậy, cần bổ sung quy định các nền tảng xuyên biên giới phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để họ có trách nhiệm về nội dung quảng cáo và trách nhiệm đóng thuế.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, 80% doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang thuộc về Facebook và Google. Doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới đang được tạo lợi thế một cách tự nhiên, bởi các cơ quan quản lý nhà nước chưa xử lý được sai phạm của họ. Tại văn bản của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam gửi Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, điều này tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi họ còn rất nhiều vấn đề sai phạm.

Một vấn đề khác hiện nay là việc khiếu nại với sàn thương mại điện tử cũng còn bất cập, do khi xảy ra khiếu nại khách hàng thường không được sàn giải quyết hoặc nếu có giải quyết thì rất chậm. Bởi vậy, nếu các sàn thương mại điện tử làm tốt hơn khâu này sẽ đảm bảo tiêu chí vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chung tay chống hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.

Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian thương mại điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặn những vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện, xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất bỏ quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam; bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới... Những quy định này được kỳ vọng sớm được ban hành nhằm làm “sạch” các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giúp thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển lành mạnh.

Trang Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 68.280 vụ việc

Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Bắc Giang: Thu nộp ngân sách trên 900 triệu đồng từ xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm

Hoà Bình: Thu giữ gần 1 tấn nội tạng hôi thối khi đang đi tiêu thụ

Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Năm 2024, xử lý 81 đơn vị vi phạm trong kinh doanh thuốc lá

Buôn lậu, gian lận thương mại: Giảm số vụ nhưng tăng trị giá hàng hóa

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tiêu hủy hơn 19.000 đơn vị sản phẩm vi phạm

Lạng Sơn: Tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu là tang vật vi phạm

Hải Phòng: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Đà Nẵng: Quý IV/2024, xử lý 28 vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu

Quảng Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại

Cục Quản lý thị trường Bến Tre xử lý 152 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu