Đoàn kểm tra liên ngành 389 đang thu giữ hàng a tại cơ sở 30 Bạch Mai |
Tỷ lệ vi phạm lớn
Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: Thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ 389 ngày 13/7/2015 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc phát động đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Ban chỉ đạo 389 của TP Hà Nội xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm trên địa bàn. Theo đó, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã thành lập 1 Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra xử lý và 2 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát về mặt hàng mỹ phẩm. Các Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức triển khai kiểm tra, tập trung các cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng, kho tàng, tụ điểm kinh doanh và các cửa hàng chuyên doanh theo hệ thống.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng phòng Tổng hợp và Thông tin liên ngành, Chi cục QLTT Hà Nội: Kết quả kiểm tra sau 3 tháng cho thấy “tỷ lệ vi phạm khá lớn”. Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra 75 vụ, xử lý 74 vụ, tổng thu nộp 2.367 triệu đồng (trong đó có xử phạt 725 triệu đồng và hàng hóa phải tiêu hủy là 1642 triệu đồng). Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 kiểm tra 45 vụ và xử lý 41 vụ, tổng thu 3.350 triệu đồng (trong đó 415 triệu đồng tiền xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá 2.935 triệu đồng).
Trong đó có những vụ việc điển hình như: Thu giữ trên 100.000 sản phẩm mỹ phẩm lậu, không nguồn gốc xuất xứ tại 5 cửa hàng của hệ thống mỹ phẩm Xuân Thủy. Hay gần 40.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và 5.794 phụ kiện trang trí móng các loại… tại một cơ sở do người nước ngoài quản lý trên phố Bạch Mai (Hà Nội).
Tăng cường kiểm soát
Ông Kiên cũng cho biết: Tính chất và thủ đoạn vi phạm của các đối tượng luôn thay đổi linh hoạt thường xuyên. Hiện nay, hàng hoá thường do một số chủ đầu nậu đặt hàng từ Trung Quốc đưa về Việt Nam với nhiều nhãn hiệu, được biến tướng bằng hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời rồi đóng gói tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số đối tượng thương nhân người nước ngoài đưa hàng lậu, hàng giả vào thị trường Việt Nam tiêu thụ với người đứng tên pháp lý là người Việt Nam kinh doanh.
Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Đơn cử, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng còn chồng chéo, sơ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động và gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Chính vì thế, trong thời gian tới Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh mỹ phẩm. Đồng thời, phối hợp cùng Cục thuế TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra các đơn vị kinh doanh mỹ phẩm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn chứng từ của các công ty, đại lý, cửa hàng, quầy thuốc kinh doanh theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về hóa đơn, chứng từ. Cục Hải quan Hà Nội cũng sẽ phối hợp trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm số lượng lớn cho lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát.
Ngày 27/10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có Công văn số 20092/QLD- MP về việc tăng cường công tác thanh kiểm tra hậu mãi mỹ phẩm. Theo đó, Cục Quản lý Dược sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm, đặc biệt là công tác thu hồi mỹ phẩm theo quy định, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ đã công bố… |