Quận Long Biên (Hà Nội): Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 100% khi tham gia BHXH tự nguyện
Từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ theo cơ chế đặc thù của TP. Hà Nội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hỗ trợ thêm. Theo đó, nâng tổng mức hỗ trợ lên 100% trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Được biết, theo quy định chung, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn trên cả nước. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% với người thuộc cận nghèo và 10% với các trường hợp khác.
Ngoài mức áp dụng chung trên, Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP. Hà Nội, từ ngày 01/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, Hà Nội hỗ trợ thêm 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác trên địa bàn, nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này lên thành: 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).
Hộ nghèo, cận nghèo quận Long Biên được hỗ trợ 100% tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 361/KH-UBND-UBMTTQ ngày 16/8/2022 của UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên về thực hiện hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2022-2025. Do đó, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đủ điều kiện tham gia thì được hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.
Như vậy, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và ngân sách của thành phố, quận Long Biên sẽ hỗ trợ hộ nghèo thêm 40% trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (tương ứng 132.000 đồng/người/tháng). Đối với hộ cận nghèo, hỗ trợ thêm 50% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (tương ứng 165.000 đồng/người/tháng).
Riêng đối với hộ cận nghèo thuộc quận Long Biên đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà thoát hộ cận nghèo nhưng còn khó khăn (có xác nhận của UBND phường), ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (10%) và ngân sách thành phố (10%) thì được Quỹ vì người nghèo của địa bàn hỗ trợ thêm 30% trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (12 tháng kể từ tháng thoát nghèo).
Theo những quy định trên, người đủ điều kiện được hỗ trợ trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2022-2025 phải đồng thời đáp ứng đủ 2 điều kiện như: Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có tên trong các Quyết định phê duyệt của UBND quận Long Biên từ năm 2022 - 2025 và có nhu cầu hỗ trợ; người đủ điều kiện thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định về bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên gồm 14 phường có 228 hộ cận nghèo. Trong đó có 330 người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo kế hoạch, chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ thêm từ Quỹ vì người nghèo cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022-2023 dự kiến là hơn 925 triệu đồng.
Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ vì người nghèo của quận Long biên và các phường trên địa bàn hằng năm.
Có thể thấy, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, việc quận Long Biên (Hà Nội) có chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP. Hà Nội, lãnh đạo quận Long Biên.
Hơn nữa, đó là những chính sách thiết thực, cần thiết nhằm quyết tâm hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người dân đều được chăm lo an sinh xã hội, có cơ hội được hưởng lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe.