Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Dư địa lớn để lập ''các kỷ lục mới'' trong hợp tác, đầu tư
Ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc
Ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trong chặng đường hơn 74 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng mang tính lịch sử. Tiếp nối chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân (tháng 12/2023), hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều hình thức linh hoạt.
Điểm nổi bật nhất trong các cuộc tiếp xúc trên là hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân từ ngày 18 - 20/8/2024 tới đây chắc chắn sẽ tạo thêm động lực, làm sâu sắc và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Dư địa để lập “các kỷ lục mới” trong hợp tác, đầu tư
Với ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, dù trong bối cảnh “xuôi chiều hay ngược gió” của nền kinh tế thế giới qua nhiều giai đoạn, vẫn không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng của quan hệ song phương.
Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 133,09 tỷ USD; năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD; năm 2022 đạt 175 tỷ USD; năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD; 7 tháng năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như: Điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như: Máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ảnh: Báo Lào Cai |
Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD với hơn 700 dự án, tăng trên 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%). Lũy kế tính đến tháng 6/2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 28,23 tỷ USD (đứng thứ 7/148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam) với 4.667 dự án còn hiệu lực. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư nước ngoài và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác.
Thứ nhất là về thể chế chính trị, thể chế chính trị hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế hai nước đều có sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp kế hoạch sang thị trường. Văn hóa hai nước đã có sự giao thoa trong khoảng thời gian lịch sử rất dài. Những điểm tương đồng này là những điều kiện thuận lợi nhất để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao trong quá khứ và cả tương lai sau này.
Thứ hai, điều kiện về vị trí địa lí cũng là thuận lợi rất lớn để hai nước phát triển quan hệ hợp tác thương mại. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới kéo dài khoảng hơn 1.400 km. Việt Nam có 7 tỉnh từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.
“Việt Nam là một nước có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vô cùng lớn cho nông dân Việt Nam” - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định hai nước còn rất nhiều dư địa để lập “các kỷ lục mới” về phát triển quan hệ kinh tế, đầu tư, đồng thời kêu gọi hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Bên cạnh đó, không ít lần trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, thủy sản, hoa quả chất lượng cao; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Ảnh minh họa |
Cũng theo Bộ Công Thương, những năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây, sầu riêng...
Đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… do vậy, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tỷ dân này là vô cùng rộng lớn.
Dù vậy, theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hiện nước này đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu.
"Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Thị trường này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy..." - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật những xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 15/8 cho biết, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024. |