Thứ tư 27/11/2024 16:54

Quản chặt hơn việc dùng mạng xã hội

Dự thảo mới quy định các MXH phải tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội thường xuyên vi phạm, vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Nâng cao ý thức người dùng

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết tờ trình của Bộ TT-TT trình Chính phủ nêu rõ Luật An ninh mạng đã có các quy định cụ thể. Theo đó, doanh nghiệp (trong và ngoài nước) cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm "xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số" và "cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an, khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".

Cơ quan chức năng và nhiều địa phương đã lên tiếng cảnh báo người dùng mạng xã hội về tình trạng lừa đảo qua mạng Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội chưa thể triển khai. Thực tế quản lý cho thấy tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Bộ TT-TT thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội. Quy định mới sẽ giúp bảo đảm hiệu quả quản lý; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng thông tin lên mạng.

Cụ thể, dự thảo quy định việc lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam; xác thực tài khoản người dùng dịch vụ với số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản; cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; bảo đảm quyền quyết định của người dùng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được sử dụng cho mục đích quảng bá, truyền thông và cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

"Việc bổ sung quy định mới sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn những tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trên mạng phải ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ TT-TT. Nếu không xử lý, Bộ TT-TT sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ; các mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng của mình theo yêu cầu của Bộ TT-TT, để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên không gian mạng.

Hạn chế tài khoản ảo

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - việc xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động có thể giúp hạn chế một số tác động xấu từ các tài khoản khuyết danh, hay còn gọi là nick ảo, trên mạng xã hội.

Đầu tiên là giảm số lượng tài khoản giả mạo để lừa đảo hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Tiếp đó là hạn chế khả năng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo hoặc không chính xác để đăng ký tài khoản. Giảm tình trạng đăng tin sai sự thật vì xác thực tài khoản qua số ĐTDĐ giúp gắn liền người dùng với tài khoản của họ, người dùng có thể dễ dàng được xác định và chịu trách nhiệm về thông tin mà họ đăng tải.

Việc bắt buộc xác thực số điện thoại di động cũng giúp ích cho cơ quan quản lý dễ dàng hơn, giúp tăng cường khả năng kiểm soát, giám sát và quản lý hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội; giúp phòng ngừa hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật như phát tán thông tin sai lệch, tuyên truyền cực đoan… Cuối cùng, đó là hỗ trợ trong điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Việc có cơ sở dữ liệu xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động cũng hỗ trợ cho các hoạt động điều tra hành vi vi phạm, các tội phạm trên mạng xã hội, nếu cần thiết.

Tuy nhiên, cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền tự do ngôn luận để bảo đảm tính công bằng và hợp pháp trong thực hiện.

"Cũng có tâm lý lo ngại người dùng phải khai báo số điện thoại di động cá nhân có thể dẫn đến việc hạn chế tự do ngôn luận và sự riêng tư trên mạng; lo ngại lộ thông tin cá nhân. Chúng ta đã thấy hiện tượng này qua việc hằng ngày phải nghe nhiều cuộc gọi quảng cáo bán hàng, mời mua bất động sản, chứng khoán..." - ông Sơn chia sẻ.

Giám đốc an ninh mạng Tập đoàn công nghệ Bkav, ông Nguyễn Văn Cường, cho rằng quy định "định danh" sẽ giảm được các tài khoản ảo và người dùng sẽ có trách nhiệm hơn với nội dung mình cung cấp chia sẻ lên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ cho nhà quản lý dễ dàng hơn trong điều tra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

"Việc đăng ký sử dụng số điện thoại di động định danh tài khoản mạng xã hội chỉ mang tính chất xác thực thông tin người đăng ký. Các nội dung khi người dùng đăng tải đã phải tuân thủ pháp luật khi tham gia trên môi trường mạng. Do đó, việc bắt buộc xác thực này cũng không tăng thêm lo ngại về việc kiểm duyệt nội dung vì bản chất việc đó vẫn đang thực hiện" - ông Cường nói.

Cần phân tích kỹ

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, hiện nay số điện thoại di động đã được chuẩn hóa, gắn với thông tin người sử dụng nên được đề xuất dùng để định danh tài khoản mạng xã hội. Thời gian qua, tùy mạng xã hội đã yêu cầu người dùng phải khai báo số điện thoại di động khi đăng ký nhưng điều này không bắt buộc, còn theo dự thảo mới là bắt buộc.

"Nếu được định danh, mỗi tài khoản sẽ được xác nhận "chính chủ", người dùng vô tình có được các quyền lợi như các tài khoản mạng xã hội có "tích xanh" mà người dùng không cần phải là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng" - ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Khi tài khoản được xác thực chính chủ, nếu chẳng may bị hack, người dùng có thể đưa giấy tờ chứng minh để lấy lại tài khoản, có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xử lý các tài khoản khác mạo danh mình, còn hiện nay đa phần người dùng phải lập tài khoản mới.

"Tất nhiên, việc định danh tài khoản mạng xã hội vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phân tích kỹ và cho dù thế nào thì lựa chọn cuối cùng vẫn nằm trong tay người sử dụng - tự cân nhắc giữa được và mất khi phải định danh để quyết định tiếp tục sử dụng hay xóa tài khoản mạng xã hội" - ông Vũ Ngọc Sơn nhìn nhận.

Theo Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, nếu quy định này có hiệu lực, sẽ tác động lên các mạng xã hội khi bắt buộc phải xác thực người dùng ở mức độ cao hơn, nâng cấp bảo mật do thông tin quan trọng hơn để tránh lộ, lọt. Việc định danh người dùng sẽ khiến số lượng người dùng sụt giảm nhưng đổi lại sẽ có một mạng xã hội lành mạnh hơn.

Hiện các mạng xã hội cũng đã nhận dự thảo và yêu cầu góp ý chính thức về những nội dung sửa đổi.

Dự thảo quy định người dùng dịch vụ mạng xã hội được sử dụng dịch vụ mạng xã hội trừ các dịch vụ bị cấm; được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân; chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập...

Một số nước buộc xác thực tài khoản mạng xã hội

Nhiều quốc gia từ lâu đã có các quy định về xác thực tài khoản trên mạng xã hội và quy định xử phạt đối với hành vi sai phạm.

Twitter và Facebook đều đang thử nghiệm chương trình xác minh danh tính có trả phí, cũng như các cách khác nhau để phân biệt những nhóm người dùng khác nhau.

Tại Mỹ, một nhóm thượng nghị sĩ đã đề xuất dự luật lưỡng đảng, yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội xác minh độ tuổi của người dùng, ngăn chặn bất kỳ ai dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản mạng xã hội và thiết lập các quy tắc đặc biệt cho trẻ vị thành niên trên 13 tuổi; yêu cầu chính phủ thử nghiệm hệ thống xác minh tự nguyện trên toàn quốc sử dụng giấy tờ cá nhân và căn cước công dân để kiểm tra độ tuổi người dùng trực tuyến.

Dự luật được đưa ra nhằm bảo vệ người dùng nhỏ tuổi khỏi những thứ như nghiện mạng xã hội nhưng cũng sẽ yêu cầu đánh giá lại sâu rộng về cách người lớn và trẻ em hoạt động trên mạng xã hội. Đáng chú ý, chính quyền bang Utah đã ban hành quy định gây tranh cãi - yêu cầu trẻ vị thành niên phải có sự đồng ý của cha mẹ để sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Đây là bang đầu tiên của Mỹ đưa ra các biện pháp như vậy.

Pháp cũng đưa ra dự luật buộc các mạng xã hội có giải pháp kỹ thuật để xác minh độ tuổi của người dùng và sự đồng ý của cha mẹ đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi. Các công ty vi phạm về dữ liệu người dùng có thể bị phạt đến 1% doanh thu trên toàn thế giới của họ. Các quy định này được hạ viện thông qua với tỉ lệ áp đảo nhưng vẫn phải chờ thượng viện thông qua để trở thành luật.

Tại Trung Quốc, nền tảng mạng xã hội Douban đã quy định người dùng Douban muốn tạo nhóm thảo luận phải xác minh danh tính của họ thông qua nhận dạng khuôn mặt. Họ không lưu trữ thông tin sinh trắc học nhưng cũng không nói chi tiết về cách thức hoạt động của công nghệ này. Động thái này là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường thực hiện các yêu cầu nhận diện tên thật trên tất cả nền tảng trực tuyến. Từ năm 2017, Trung Quốc đã lệnh cho các nền tảng trực tuyến của nước này xác minh danh tính thật của người dùng trước khi cho phép họ đăng nội dung trực tuyến.

Các nền tảng như Instagram, Snapchat, YouTube, TikTok và các dịch vụ phát trực tuyến như Disney+ và Netflix đã triển khai các công cụ xác minh độ tuổi để bảo đảm người dùng không truy cập nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn triển khai tốt nhất nên các công ty đang áp dụng những cách riêng để bảo đảm người dùng không truy cập nội dung bị cấm.

nld.com.vn
Bài viết cùng chủ đề: mạng xã hội

Tin cùng chuyên mục

Tập trung phát triển bộ giải pháp, dịch vụ an ninh mạng cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Sẽ đẩy mạnh số hoá, dùng AI phục vụ công tác pháp điển

Câu chuyện từ những doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số

Tăng tốc kết hợp 5.5G và AI để dẫn đầu kỷ nguyên AI di động

Nhiều nhân viên của các tổ chức thiếu kiến thức cơ bản về an ninh mạng

Tập đoàn Viettel nói về giá và chất lượng mạng 5G sau 9 ngày thử nghiệm

Câu chuyện chuyển đổi số ở tỉnh nghèo Hà Giang

Để mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% vào GDP không còn là thách thức

Nâng cao năng lực cho mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số Việt Nam

Thị trường IT Việt Nam cần 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025

Quảng Nam: Các tổ công nghệ số cộng đồng thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số

Cảnh báo: Các cú pháp nhận ưu đãi từ Viettel là thông tin thất thiệt

Thế giới thiếu hụt khoảng 4 triệu chuyên gia an ninh mạng

3 mục đích xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số

Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Hiệu quả cao nhờ chuyển đổi số

Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam

AI tạo sinh mang lại cơ hội và thách thức gì cho doanh nghiệp?

Ứng dụng Rakuten Viber ra mắt tính năng mới, thêm trải nghiệm cho người dùng

Analog Devices và Flagship Pioneering “bắt tay” đẩy nhanh tốc độ phát triển thế giới sinh học

Sắp diễn ra hội nghị trí tuệ nhân tạo GenAI Summit 2024