Lực lượng QLTT Gia Lai liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật |
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai (QLTT Gia Lai) đã kiểm tra 47 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là để lẫn phân bón không đảm bảo chất lượng với hàng hóa khác, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, vi phạm về niêm yết giá, kinh doanh sản phẩm hết hạn sử dụng.
Cục QLTT Gia Lai đã xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 83,5 triệu đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh 3 tháng đối với 3 cơ sở; đình chỉ 6 tháng đối với 3 cơ sở; buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất 120 bao phân bón hết hạn sử dụng.
Theo ông Đinh Văn Hà – Phó Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai, việc kinh doanh các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng gây ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh sản phẩm uy tín; xâm phạm quyền của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng trong tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ế ẩm. Ngoài ra, trong trường hợp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hết hạn sử dụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây trồng.
Mặc dù đã có hành lang pháp lý cụ thể và khá đầy đủ, đồng bộ trong kiểm tra, xử lý vi phạm (cả xử lý hành chính và xử lý hình sự) trong kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn về này chưa bao giờ hết “nóng” trên mặt trận thị trường nội địa.
Ông Hà cho rằng, nguyên nhân là mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm đặc trưng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc thù người tiêu dùng sản phẩm trên là người nông dân, cách thức tiếp nhận và lựa chọn thông tin về sản phẩm dựa trên kinh nghiệm, hoặc truyền tai nhau chứ không phải thông qua một kênh thông tin nào rõ ràng, hướng dẫn định hướng theo hướng chính thống từ cơ quan nhà nước. Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp kinh doanh tự đi giới thiệu sản phẩm, bán hàng giả, không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo trong các lực lượng có chức năng kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm dẫn đến việc kiểm tra, xử lý không thường xuyên, chưa có tính thống nhất.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng chưa đồng bộ.
Gia Lai tiêu hủy hàng hóa kém chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hôm 27/5 |
Một khó khăn nổi bật trong công tác kiểm tra, phát hiện hành vi kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, hết hạn sử dụng đó là lấy mẫu thử nghiệm chất lượng. Theo ông Hà, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng này không khó, nhưng thời gian đợi kết quả kiểm tra chất lượng phân bón còn kéo dài khiến công tác hậu kiểm gặp khó khăn. Ông Hà cho biết muốn đánh giá một loại phân bón nào đó đang lưu thông trên thị trường đạt chất lượng hay là hàng giả, thì lực lượng QLTT phải tiến hành lấy mẫu để gửi đến một đơn vị thứ 3 để giám định chất lượng, thời gian để có kết quả mất khoảng hơn 15 ngày. Trong thời gian đợi kết quả giám định thì lô hàng nghi ngờ về chất lượng có tiến hành niêm phong hay không. “Trong trường hợp niêm phong mà kết quả thử nghiệm đạt chất lượng thì xảy ra khiếu kiện, khiếu nại vì phân bón bị niêm phong trong thời gian dài như thế không bán được theo các hợp đồng; nếu không niêm phong thì khi kết quả giám định không đạt yêu cầu lưu thông hoặc hàng giả thì lô phấn bón này đã bán ra thị trường”, ông Hà phân tích.
Lãnh đạo Cục QLTT Gia Lai cho biết, trong thời gian tới, lực lượng QLTT Gia Lai tiếp tục bám sát thị trường, phối hợp với chính quyền các địa phương huyện, xã để theo dõi, giám sát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt là đối với các sản phẩm mới ra thị trường tại các buổi giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về kinh doanh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ, mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng sản phẩm rõ ràng.
Trước diễn biến của dịch Covid – 19 phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, Cục QLTT Gia Lai đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để thu gom, mua gom, tăng giá bất hợp lý hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; chú trọng kiểm tra hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng các loại mặt hàng thiết yếu. |
Ngày 27/5, Cục QLTT Gia Lai phối hợp với các đơn vị trong Hội đồng tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu của tỉnh thực hiện tiêu hàng hóa vi phạm hàng hóa theo quy định. Cụ thể, tiến hành tiêu hủy 66.822 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, tương đương 7 tấn hàng, gồm các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi trẻ em, đồ điện tử, giày dép, túi xách, mũ bảo hiểm, kính mắt…; hàng thực phẩm, thuốc bảo vệ thực phẩm…. không đảm bảo các điều kiện lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm này bị phát hiện và tịch thu từ tháng 8/2020 đến nay. Trong đó, phần lớn là hàng hóa vi phạm trong cao điểm kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán. |