PVN khởi động chuỗi dự án Lô B- Ô Môn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã đến dự và nhấn nút khởi động chuỗi dự án Lô B- Ô Môn |
Chuỗi dự án khí Lô B -Ô Môn gồm 2 dự án thành phần: dự án phát triển mỏ Lô B và dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.
Chuỗi dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư mỏ Lô B (cách bờ biển Phú Quốc khoảng 300km) là 6,8 tỷ USD và đường ống dẫn khí từ mỏ Lô B về Ô Môn dài 431 km là 1,2 tỷ USD.
Dự kiến công trình sẽ đưa vào vận hành từ quý II/2020 với giàn công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác (khoảng 750 giếng khai thác), 1 giàn nhà ở và tàu chứa condensate. Tổng trữ lượng khí thu hồi khoảng 107 tỷ m3 (từ nguồn khí Lô B, 48/95 và 52/97) và 12,65 triệu thùng condensate.
Sản lượng khí đưa vào bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm và kéo dài trong 20 năm (2020 - 2040) để cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (Cần Thơ) nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam bộ.
Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, do PVN, PV GAS, nhà thầu MOECO và PTTEP làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.
Tổng chiều dài tuyến ống là 431 km có công suất thiết kế 20,3 triệu m3, trong đó tuyến ống biển có chiều dài khoảng 295 km (đường kính 28 inch) vận chuyển khí từ Lô B đến trạm tiếp bờ tại huyện An Minh, Kiên Giang, ống nhánh 37 km (18 inch) nối từ KP209 về trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 - Cà Mau; tuyến ống bờ có chiều dài khoảng 102 km (30 inch) chạy qua tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ để cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Kiên Giang và Ô Môn.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN cho biết, song song với quá trình thực hiện chuỗi dự án Lô B, PVN sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Giang gồm 2 nhà máy công suất 750 MW/nhà máy và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư 3 nhà máy tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, công suất từ 650 - 750 MW/nhà máy. Mục tiêu của chuỗi dự án là nhằm khai thác và thu gom nguồn khí từ mỏ Lô B với tổng trữ lượng khí thu hồi dự kiến khoảng 107 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate (hỗn hợp hidrocarbon lỏng). Sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm. Thời hạn khai thác kéo dài 20 năm từ năm 2020-2040, cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (TP. Cần Thơ), nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam bộ nói chung, Tây Nam bộ nói riêng từ sau năm 2020.
Ông Sơn khẳng định, công trình là một dấu mốc quan trọng trong việc tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khí tại khu vực Tây Nam bộ. Việc phát triển chuỗi dự án sẽ hình thành hạ tầng khí lớn tương tự như hạ tầng khí khu vực Đông Nam bộ. Khi công trình đi vào vận hành sẽ góp phần vào việc ổn định an ninh năng lượng quốc gia, bổ sung nguồn khí thiếu hụt của hệ thống đường ống PM3-Cà Mau, đảm bảo cung cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Kiên Giang và Ô Môn/Cần Thơ theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt và sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế tại khu vực Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ nói riêng.
Nguồn khí thiên nhiên Lô B cấp cho các nhà máy điện là nguồn nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường so với các nhà máy điện than. Ngoài ra, nguồn khí này sẽ góp phần vào việc giảm sức ép nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các nhiên liệu FO, DO, LPG.
Theo ước tính sơ bộ trong vòng 20 năm hoạt động, các nguồn thu từ dự án: Dự án thượng nguồn: dự kiến nộp ngân sách khoảng 18,3 tỷ USD; Dự án đường ống: dự kiến nộp ngân sách khoảng 930 triệu USD. Ngoài ra, dự án còn đóng góp cho ngân sách nguồn thu từ thuế nhập khẩu khoảng 400 tỷ đồng trong quá trình xây dựng.