Thứ sáu 29/11/2024 07:08

Phục hồi sau đại dịch: Dệt may Việt Nam đối mặt 3 thách thức lớn

Mặc dù đã thuận lợi hơn trong sản xuất, xuất khẩu nhưng ngành dệt may Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra ngày 11/8, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may 7 tháng đầu năm 2022 khá thuận lợi.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 15,48 tỷ USD, tăng 7,9%. Như vậy 7 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam xuất siêu 11,07 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông Trương Văn Cẩm, trong nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp dệt may sẽ đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có 3 thách thức lớn.

Đầu tiên, dệt may là ngành xuất, nhập khẩu rất lớn và chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm, trong đó có dệt may ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng và đơn giá. Từ nay đến cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến một số thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam như Nga, Ukraine và các nước khác trong khu vực.

Chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng tới 20-25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay tăng phi mã, đặc biệt chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây. Ở khía cạnh tài chính, từ đầu năm tới nay, đồng nội tệ của của nhiều quốc gia mất giá khá lớn so với USD, ví dụ: Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc 4,7%; Đài tệ 6%; Bath Thái 3,4% và Yên Nhật gần 16%, trong khi VND chỉ mất giá 1,8% gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, vấn đề truy soát nguồn gốc bông và các sản phẩm làm từ bông Tân Cương hay dự định thu phí carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, tái sử dụng đối với hàng nhập khẩu tại thị trường EU và Mỹ cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa, sau dịch Covid-19, nhiều lao động về quê đã không trở lại làm việc, việc tuyển lao động mới cũng gặp khó khăn và tăng chi phí đào tạo, năng suất của lao động mới tuyển thấp. Nhất là tình trạng nhiều lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây mất ổn định lao động.

Phục hồi sau đại dịch: Dệt may Việt Nam đối mặt 3 thách thức lớn

Cuối cùng, sau thời gian dài tập trung chống dịch và duy trì sản xuất ở mức có thể, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong khi các gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua chậm triển khai, chính sách thuế, nhất là việc hoàn thuế cũng rất chậm khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Trước những thách thức trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn và tha thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư vào khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do.

Bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy định này không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu; doanh nghiệp phải nộp thuế VAT ngay nhưng việc hoàn thuế quá lâu và tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm hoàn thuế doanh nghiệp phải chịu.

Sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022.

Riêng về đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất: Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện, tỷ lệ đóng quá cao, đặc biệt rà soát thời gian về hưu, điều kiện hưởng lương hưu cho phù hợp với khu vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng người lao động xin nghỉ hàng loạt để rút bảo hiểm xã hội một lần gây biến động lao động.

Sửa đổi quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh tình trạng lao động trẻ nhảy việc. Chính phủ có cơ chế hỗ trợ đào tạo giảng viên, sinh viên học dệt, nhuộm, chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng, vì đây là lĩnh vực đào tạo thời gian dài hơn, phức tạp hơn, chi phí tốn kém hơn không phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của các trường.

Ngoài ra, ông Trương Văn Cẩm cũng đề nghị: Chính phủ và các bộ, ngành có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ… cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vào các nước khu vực và chung quanh khu vực chịu ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine. Có định hướng giải quyết vấn đề liên quan đến Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ bởi hiện tại các doanh nghiệp rất lúng túng.

Làm việc với các nước và tỉnh bạn có chung đường biên giới nhưng đang có chính sách chống dịch khác nhau, phối hợp giải quyết các vấn đề về di chuyển người, phương tiện, hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu, đáp ứng nguồn cung nguyên, phụ liệu cho sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việt Nga
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp hội dệt may Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

PC Quảng Trị: Hào hứng đón chờ 'Tuần lễ hồng EVN' lần thứ X

17 doanh nghiệp được vinh danh nhờ đóng góp vào thúc đẩy bình đẳng giới

Bảo hiểm Bảo Minh: khắc phục khó khăn, chuẩn bị hành trang tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Petrolimex Hải Phòng đón đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

Empowered Startups: cơ hội đặc biệt dành cho các doanh nhân và Start-up

Petrovietnam: 'Một đội ngũ – Một mục tiêu' cho ngọn lửa năng lượng quốc gia luôn rực sáng

15 năm vững bước tại Campuchia, Metfone nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Gần 400 gian hàng tham gia triển lãm các sản phẩm dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Petrolimex Sài Gòn nỗ lực mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng

PC Quảng Trị: hơn 8.000 khách hàng tham gia thi đua 'Hộ gia đình tiết kiệm điện' năm 2024

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức đào tạo về quản trị kinh doanh, chuyển dịch năng lượng xanh

Con đường để Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia

'Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion' trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba

Chân dung doanh nhân 8X ngồi 'ghế nóng' Tập đoàn BIM Group

Nhà máy thủy điện Khe Bố tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội

Quảng Trị: tiết kiệm hơn 18 triệu kWh trong 10 tháng đầu năm 2024

Công ty Điện lực Hà Giang: Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện

FA’NU khẳng định mình trên thị trường dinh dưỡng: Top 5 thương hiệu uy tín quốc gia 2024

Delta Group dấu ấn một tổng thầu xây dựng hàng đầu, nơi con người là giá trị cốt lõi.

Thông tin khách hàng được ngành điện TP. Hồ Chí Minh bảo mật như thế nào?