Phú Thọ: Đẩy mạnh hỗ trợ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Thực hiện Kế hoạch số 4265/KH-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọgiai đoạn 2021-2025, các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ và có chiến lược phát triển.
Vì thế, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ có nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, chủ thể tham gia chương trình gồm các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng cho 2 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt hạng 5 sao năm 2023 là: Sản phẩm Mỳ gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô của HTX Mỳ gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì và chè búp tím Thanh Ba của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba.
Nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhằm tạo đầu ra cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã đánh giá hiện trạng, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đồng thời, triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm các thông tin về thị trường, ngành hàng, thông tin doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; hỗ trợ tích hợp công nghệ số...
Được biết, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đăng tải thông tin, hình ảnh các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn. Đến nay, sàn giao dịch này đã có 330 gian hàng với 990 sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada.vn, Shopee...
Đơn cử như năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thiết lập gian hàng sàn thương mại điện tử shopee với tổng số 30 sản phẩm gồm: Sản phẩm hạt dinh dưỡng của Công ty CP sản xuất và thương mại NUT GROUP; các sản phẩm chè xanh của Công ty TNHH đầu tư và phát triển Trà UT; bưởi quả và các sản phẩm từ bưởi của Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Xuyên; mì gạo Thạch Đê của Hợp tác xã nông nghiệp xã Hùng Việt; trà thảo mộc của hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Liên Hoa Chi.
Cùng với hỗ trợ phát triển ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cơ sở pháp lý, các văn bản hiện hành trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử như: Cách quảng bá, viết lời giới thiệu sản phẩm, đăng hình ảnh và mô tả sản phẩm; cách đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử…
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ xác định vẫn tiếp tục duy trì, vận hành có hiệu quả sàn giao dịch thương mại điển tử giaothuong.net.vn. Chủ động phối hợp với các đơn vị, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số. Cùng với đó, hỗ trợ ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong việc quảng bá, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.