Phòng ngừa, điều trị bệnh Parkinson ở người cao tuổi như thế nào?
Thông tin tại Hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 3 đang diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia chỉ ra, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt với người cao tuổi.
Bệnh Parkinson
Đây là một trong những bệnh về thần kinh mà nhiều người cao tuổi thường gặp phải. Bệnh này thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho con người đi lại khó khăn, cử động chậm chạp, chân tay bị run cứng. Khi bệnh tiến triển có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, làm thiếu hụt dopamine.
Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh mà nhiều người cao tuổi thường gặp phải |
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến trình tiến triển của bệnh.
Bệnh Parkinson thường xảy ra nguy cơ cao ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson được giới chuyên gia chỉ ra như tuổi tác, yếu tố di truyền, giới tính, tiếp xúc với độc tố. Tuy nhiên, đáng lo ngại, căn bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế số bệnh nhân Parkinson gia tăng là phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ.
Cách chăm sóc tốt cho trí não để phòng bệnh Parkinson
Các chuyên gia thần kinh học khuyến cáo: Tránh làm việc quá căng thẳng, tránh thức khuya, lo lắng trong thời gian dài, tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống không tốt cho trí não, nhất là các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… Có chế độ nghỉ ngơi và tập luyện vừa sức, đều đặn hàng ngày.
Người có gia đình gồm bố, mẹ, anh/chị/em bị Parkinson nên để ý các dấu hiệu và thăm khám sức khỏe hệ thần kinh ngay khi có dấu hiệu bất thường như run tay, chân; co cứng cơ; giảm chức năng vận động để kịp thời có biện pháp điều chỉnh.
Người bệnh Parkinson cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng các loại chất. Trong đó, nên ưu tiên bổ sung các chất thô, tinh bột, rau xanh, trái cây, các thực phẩm tốt cho trí não. Hạn chế tiêu thụ thịt, không nên ăn các đồ ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ…
Bệnh sa sút trí tuệ
Theo BS.CKII Thân Thị Minh Trung – Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP. Hồ Chí Minh: Sa sút trí tuệ là kết quả của nhiều loại bệnh hoặc chấn thương, ảnh hưởng chủ yếu đến não. Căn bệnh này cũng gây ra nhiều phiền toái không chỉ cho bản thân người bệnh mà cho cả gia đình của họ. Việc nhận thức và hiểu biết không đầy đủ về chứng sa sút trí tuệ trong xã hội có thể gây ra sự kỳ thị và tạo các rào cản, làm giảm cơ hội được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho người mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ có thể do béo phì và tăng huyết áp ở tuổi trung niên; huyết áp thấp ở người cao tuổi; đái tháo đường; nhồi máu não đa ổ; tăng mỡ máu; thói quen uống rượu hoặc/và dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm…
Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, sự ảnh hưởng của sa sút trí tuệ có thể biểu hiện và mức độ khác nhau ở mỗi người. Chứng sa sút trí tuệ thường được nhóm lại theo những điểm chung của bệnh, chẳng hạn như protein hoặc các protein lắng đọng trong não hoặc phần não bị ảnh hưởng… và chia làm hai loại.
Phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ
Bác sĩ Thân Thị Minh Trung khuyến cáo người dân nên chú ý tới các yếu tố sau để phòng bệnh sa sút trí tuệ: Các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và làm giảm tác động của bệnh.
Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh. Theo đó, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần đồng thời, hạn chế ngồi lâu.
Không hút thuốc lá, dùng chất kích thích; bổ sung đủ vitamin; duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Chú ý đến giấc ngủ chất lượng cũng như quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch: Huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của sa sút trí tuệ mạch máu. Do đó, người dân nên điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và chỉ số khối cơ thể cao (BMI) sớm nếu mắc phải.
Với mục đích nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý và chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho người cao tuổi, trong 2 ngày 12 và 13/11/2022 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ 3. Phiên chính sách diễn ra ngày 12/11 cập nhật những thay đổi mới nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các nước tiên tiến.
Phiên khoa học ngày 13/11 sẽ cung cấp các thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi như: Lão hóa và sa sút trí tuệ, tim mạch can thiệp, đái tháo đường và nội tiết chuyển hóa, lão khoa tổng quát, bệnh lý thần kinh - Alzheimer, cơ xương khớp, tăng huyết áp... |