Không còn tình trạng người dân tập trung quá đông để mua hàng hóa
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Thường trực Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ban Chỉ đạo), đến ngày 2/8, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 205/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 8/106 siêu thị và 129/2895 cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa do dịch Covid-19. Người dân đến mua hàng tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở một số khu vực đông vào buổi sáng, tuy nhiên không còn tình trạng quá nhiều người xếp hàng do chính quyền địa phương vận động người dân không tập trung quá đông người, chuyển bớt sang giờ chiều đến mua hàng, một số siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến siêu thị nhằm bảo đảm thực hiện quy tắc 5K.
Không còn tình trạng quá nhiều người xếp hàng do chính quyền địa phương vận động người dân không tập trung quá đông người |
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã có Văn bản về việc hướng dẫn thực hiện “phiếu mua hàng thiết yếu” gửi đến UBND các quận huyện, siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống trên địa bàn. Theo đó, đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát lại quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực; chủ động làm việc với các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng... để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng. Từ đó, có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn cho phù hợp.
Đồng thời, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tăng cường thêm các chuyến xe bán hàng lưu động đến các khu vực đông dân cư, có ít điểm bán hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu của người dân. Trong thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh có phương án tăng đầu xe bán hàng lưu động lên 100 chiếc, phối hợp với quận, huyện đăng ký và tổ chức cho tiểu thương đứng ra nhận và bán hàng. Trong ngày 2/8, các đơn vị đã triển khai được 108 điểm bán cố định và 35 điểm bán lưu động với 66 lượt xe, được phân bổ theo nhu cầu của các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hiện tại có 35/105 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Co.opMart, Bách Hóa Xanh, Vinmart… Bưu điện tỉnh (Viettel Post) cũng đang tổ chức bán hàng lưu động tại 45 điểm trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố (bán luân phiên từ 10-15 điểm/ngày). Tuy nhiên, tại một số điểm bán hàng lưu động, lượng hàng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại các khu vực tập trung đông dân.
Tại TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang), chính quyền địa phương yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, khi có nhu cầu mua hàng thiết yếu sẽ do phường, xã mua hộ và giao tận nhà cho người dân. Các chợ vẫn hoạt động bình thường, số lượng hộ tiểu thương bán tại các chợ giảm còn từ 20 - 70% tùy theo chợ.
Siêu thị Tứ Sơn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức mô hình “xe bán hàng lưu động”, bán các mặt hàng thiết yếu tại Thành phố Châu Đốc và huyện An Phú (trong 03 ngày 29-30/7/2021 và 01/8/2021 đã bán được 1.499 đơn hàng với trị giá khoảng 166 triệu đồng).
Còn tại các tỉnh khác của khu vực phía Nam, sức mua ngày 2/8/2021 tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và một số chợ truyền thống còn hoạt động ổn định, nguồn cung ứng đồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Giá cả ổn định so với ngày 1/8.
Đa dạng giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa
Nhằm phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc ổn định cung cầu hàng hóa phục vụ người dân khu vực miền Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo.
Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu nhằm đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định, an toàn đến người dân. Đơn cử, ngay trong ngày 2/8, Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cung cấp thông tin đầu mối liên hệ của Viettel Post ở các địa phương cho Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam để cùng phối hợp triển khai Chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”.
Thực hiện chương trình, các địa phương sẽ huy động nguồn hàng tài trợ; Viettel Post nhận hàng tài trợ bằng các hàng hóa thiết yếu (gạo trứng, sữa, rau củ quả, mì tôm, dầu ăn, bột mì,…), chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển miễn phí và phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7 giao hàng đến các điểm cách ly, phong tỏa để hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn.
Có thể nói, đây là sự phối hợp rất hiệu quả giữa Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc bổ sung các hình thức cung ứng hàng thiết yếu vùng dịch thông qua các công ty bưu chính.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chuẩn bị các nội dung phục vụ “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” dự kiến tổ chức vào ngày 6/8/2021. Thông qua thông tin kết nối của Tổ công tác đặc biệt, một số hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Mega Market, Bách Hóa Xanh, Post mart…) đã tham gia ký kết và tiêu thụ nông sản cho một số tỉnh Đông Tây Nam Bộ.
Cụ thể, hệ thống Siêu thị Mega Market đã lựa chọn được 04 nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu của siêu thị, bao gồm: HTX Mỹ Thạnh, HTX Rau An Toàn Mười Hai (Long An); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phước, HTX Nông 3 nghiệp Sạch Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) để thu mua một số mặt hàng nông sản tại địa phương đang vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, hệ thống Bách Hoá Xanh đã hỗ trợ tiêu thụ được 132 tấn bắp, 120 tấn nhãn, 50 tấn thanh Long. Hệ thống Vn Post trong 1 tuần qua hỗ trợ 13 tỉnh miền Tây tiêu thụ 30 tấn nhãn. Ngoài ra, kết nối hệ thống Bưu điện các tỉnh, Công ty Vina T&T, Big C và Bách Hóa Xanh đã tăng cường thu mua, hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại tỉnh Long An.
Mới đây nhất, Tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã hướng dẫn Viettel Post triển khai các “Trạm hạnh phúc” đặt tại 16 bưu cục của Viettel Post. Theo kế hoạch, từ ngày 2/8 đến 15/8, đơn vị tổ chức sẽ mời quyên góp từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong cả nước. Trong thời gian từ ngày 5/8 đến ngày 19/8, các “Trạm hạnh phúc” sẽ được tổ chức tại 16 bưu cục của Viettel Post trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để những người dân khó khăn có thể đến và tự chọn một gói quà thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Xem xét mở thêm các điểm bán hàng cố định/lưu động, mô hình “chợ ngoài trời”
Cũng theo Ban chỉ đạo, dù đã cơ bản không còn tình trạng thiếu hàng hóa, song hiện nay, tại một số tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, đang áp dụng quy định giờ giới nghiêm, một số siêu thị đóng cửa từ 15h-17h tùy đơn vị làm rút ngắn thời gian mua hàng của người dân, gây hiện tượng ùn ứ cục bộ. Tổ Công tác kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần tham mưu cho UBND các địa phương điều chỉnh thời gian trong phiếu đi chợ phù hợp với thời gian mở cửa và năng lực phục vụ của các cơ sở bán lẻ hàng hóa thiết yếu trong khu vực dân cư.
Xem xét mở thêm các điểm bán hàng cố định/lưu động |
Bên cạnh đó, Tổ cũng kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo, đôn đốc Sở Công Thương các địa phương chủ động có phương án bổ sung thêm các điểm bán hàng cố định/lưu động, mô hình “chợ ngoài trời”… bảo đảm quy định về phòng chống dịch Covid-19, để tăng cường phục vụ cho các khu đông dân cư, đặc biệt tại các tỉnh, thành có đông công nhân, lao động trong các Khu/Cụm công nghiệp (như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…).
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo có ý kiến chính thức gửi lên Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có doanh nghiệp thực hiện “03 tại chỗ” cần xây dựng và công bố các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, phối hợp mọi nguồn lực ứng phó kịp thời, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho nhiều lao động khác trong cùng đơn vị. Ngoài ra, ưu tiên bố trí nguồn vắc xin cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… để giảm nguy cơ dừng hoạt động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)