Thứ hai 23/12/2024 13:32

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" để gỡ “thẻ vàng” IUU

Thời gian còn lại rất ít nên phải dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" với mục tiêu cao nhất là gỡ được “thẻ vàng” IUU sau lần thanh tra thứ 5 sắp tới.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (chống khai thác IUU) diễn ra tại tỉnh Kiên Giang chiều 5/2.

Hội nghị tập trung đánh giá thực chất tình hình chống khai thác IUU thời gian qua, bàn giải pháp đẩy mạnh việc chống IUU để chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra thứ 5 của Uỷ ban châu Âu (EC), dự kiến trong tháng 4/2024.

Sẵn sàng trước cơ hội cuối cùng

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, qua đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Đoàn thành tra của EC đánh giá Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá; việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối, còn hạn chế.

“Đợt thanh tra lần thứ 5 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" trước khi EU bầu cử, vì thế rất cần những giải pháp tổng lực trên, tạo chuyển biến thực chất trong công tác chống IUU để gỡ "thẻ vàng" sớm nhất có thể”, Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nếu không gỡ được "thẻ vàng" trong thời gian sắp tới thì có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt thẻ đỏ, bị hạn chế xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường quan trọng khác.

Hội nghị tập trung đánh giá thực chất tình hình chống IUU thời gian qua, bàn giải pháp đẩy mạnh việc chống IUU - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại Hội nghị, các địa phương báo cáo về thực trạng, giải pháp xử lý tàu cá "3 không", tàu mất kết nối, tuần tra xử lý vi phạm, giao khu vực biển cho hộ ngư dân.

Tỉnh Kiên Giang đề xuất trong quý I/2024, các địa phương cần đồng loạt vào cuộc quyết liệt để điều tra, xét xử các vụ việc vi phạm IUU để nâng cao tính răn đe.

Các bộ, ngành cập nhật tình hình phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin về các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác điều tra, xử lý hành vi môi giới, tổ chức đưa ngư dân đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" để gỡ “thẻ vàng” IUU

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác chống IUU trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao tỉnh Kiên Giang đã làm được nhiều việc có tác động lan toả tích cực, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố xét xử vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian còn lại rất ít, khoảng gần 3 tháng nữa là đến thời điểm EC cử đoàn thanh tra sang Việt Nam, nên phải dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" với mục tiêu cao nhất là gỡ được thẻ vàng sau lần thanh tra thứ 5 sắp tới, trong đó tập trung vào 2 việc: Không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ, trong đó có hành vi tổ chức, môi giới xuất cảnh trái phép, sử dụng trái phép vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản.

Các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng các quy định hiện hành để xử lý các vi phạm về IUU. Địa phương nào có các vụ việc tương tự như Kiên Giang thì mạnh dạn xử lý. Bộ Công an đã gửi hồ sơ vụ án nêu trên của tỉnh Kiên Giang đến công an tất cả các tỉnh, thành phố ven biển để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.

4 địa phương có đội tàu lớn là Kiên Giang, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau tập trung xử lý ngay các tàu mất kết nối theo quy định hiện hành, Phó Thủ tướng yêu cầu dù việc này rất đau xót.

“Dự kiến trong tháng 2, Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng người đứng đầu cấp uỷ các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong công tác chống khai thác IUU”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; chỉ đạo Cục Kiểm ngư phối hợp với Bộ Công an xử lý dứt điểm tàu vi phạm được đoàn thanh tra của EC chỉ ra tại Khánh Hoà.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng quản lý, kiểm soát tốt tàu cá xuất, nhập bến, tại vùng biển giáp ranh, tập trung ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Bộ Công an thúc đẩy điều tra, đưa ra xét xử hành vi tổ chức và môi giới xuất cảnh trái phép và hành vi hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng hải sản xuất khẩu; mở rộng điều tra các nhóm tàu không về bến mà sử dụng các tàu khác tiếp tế nhiên liệu, đá, đồ ăn và tiếp nhận cá mang về bờ bán.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, phải quyết liệt hơn như đoàn thanh tra của EC đã chỉ rõ, nhấn mạnh nếu không quyết liệt, Trung ương sẽ có biện pháp buộc các địa phương phải quyết liệt mới có thể tháo gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng đồng ý các địa phương mở rộng số lượng cảng tiếp nhận tàu cá cập bến ngoài các cảng chỉ định với điều kiện các địa phương kiểm soát được tình hình nhằm giảm áp lực đối với cảng cá được chỉ định, đồng thời tạo thuận lợi cho tàu cá cập bến, tiết kiệm chi phí cho ngư dân; thường xuyên báo cáo về Trung ương kết quả công tác chống khai thác IUU.

Bên cạnh những nhiệm vụ trước mắt nêu trên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm như hợp tác với các nước về nghề cá, mở ra hướng đi mới cho ngư dân; thu hút đầu tư nước ngoài vào nuôi trồng, chế biến hải sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án/kế hoạch khai thác thuỷ sản bền vững, trong đó tính đến khả năng cấm biển để bảo vệ, tái tạo ngư trường và hỗ trợ ngư dân khi thực hiện cấm biển.

Phó Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền sắp tới phải căn cơ, bài bản, từ nhiều góc độ, không chỉ là động viên mà phải chú trọng tuyên truyền về hậu quả pháp lý đối với từng hành vi vi phạm IUU.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam