Từ ngày 27/7 - 1/8/2023, tại tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023, quy mô 400 gian hàng với sự tham gia của 160 tổ chức, đơn vị, các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 36 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
"Đòn bẩy" quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho hay: Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 đóng vai trò quan trọng, là cơ hội cùng xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm chủ lực, hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng như các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc và cả nước.
Qua việc tham gia hội chợ, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình trực tiếp tới đông đảo khách hàng, đối tác trong và ngoài khu vực. Nhờ vào sự quảng bá tại hội chợ, thương hiệu sản phẩm được nâng cao uy tín và danh tiếng, từ đó thu hút sự quan tâm và tin tưởng từ phía người tiêu dùng.
Đặc biệt, hội chợ còn tập trung quảng bá các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố khác, giúp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ của địa phương và chất lượng cao.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm đối tác, hội chợ còn mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân các vùng nông thôn.
"Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa xây dựng và quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc và cả nước", bà Hạnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 tại Quảng Ninh là một sự kiện quan trọng, không chỉ mang đến cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu vực, mà còn là một dịp quan trọng để tạo cầu nối giữa các địa phương và doanh nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.
Hội chợ triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện ngành Công Thương năm 2023 và kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh mang ý nghĩa tốt đẹp, làm nổi bật vai trò và đóng góp của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực phía Bắc. Đây cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển bền vững.
"Hội chợ cũng là dịp để mỗi chúng ta hiểu thêm về những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gắn với đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.
Chìa khóa quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, từ năm 2011 đến nay, bằng nỗ lực quyết tâm cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những bước phát triển toàn diện, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới.
Cụ thể, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, ổn định, chất lượng tăng trưởng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) liên tục 7 năm qua tăng trên 10%, kế hoạch năm 2023 tăng 11%, cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng). Dự kiến năm 2023 đạt qui mô nền kinh tế lên đến 312.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và 2,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh Quảng Ninh với Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và các đại biểu về dự Hội chợ |
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện, đặc biệt là đường bộ cao tốc có bước phát triển đột phá, gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn ngân sách địa phương được đầu tư tập trung.
Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thành 176 km đường cao tốc; chiếm 17% số km cao tốc của toàn quốc; là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao (đạt 69%), đã gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, viễn thông... được đầu tư đồng bộ, tiếp cận công băng từ tỉnh tới thôn, bản, tới các hộ gia đình; diện mạo, cảnh quan vùng đất Quảng Ninh thay đổi phát triển từng ngày.
Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (từ 2017 – 2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất toàn quốc 4 năm liên tiếp (2019 – 2022); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 đứng thứ 1 cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 đứng thứ nhất toàn quốc, đây là lần thứ 2 tỉnh Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh tự hào với chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh PSDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các trường đại học, học viện trên toàn quốc đánh giá. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh có 7 hạng mục nằm ở nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cụ thể như: Mục tiêu công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (3/63); Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng (3/63); Các thành phố và cộng đồng bền vững (3/63); Tài nguyên môi trường và đất liền (3/63); Sức khỏe và cuộc sống tốt (5/63); Giáo dục có chất lượng (5/63).
Những thành tựu kể trên, ngoài sự nỗ lực quyết tâm cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị thì có đóng góp rất lớn của ngành Công Thương Quảng Ninh. Do đó, trong những năm tới, Quảng Ninh hy vọng và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ Bộ Công Thương.
Sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương không chỉ giúp tăng cường sức cạnh tranh và phát triển kinh tế của tỉnh mà còn đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và mức sống của người dân trong khu vực. Với sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh tin rằng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể và tiến xa trên con đường phát triển bền vững. Sự đồng hành và hỗ trợ từ Bộ Công Thương là yếu tố quan trọng giúp tỉnh Quảng Ninh vượt qua những thách thức và khó khăn, từng bước xây dựng được hình ảnh một địa phương phát triển năng động và hấp dẫn, tin cậy đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Tỉnh Quảng Ninh luôn mong muốn được Bộ Công Thương quan tâm, cùng phối hợp với địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho quý các doanh nghiệp, các nhà đầu từ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu, mở rộng thị trường và cơ hội liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay.