Phiên chợ Tết cuối năm ở Phủ Lạng Giang
Đã tròn 20 năm tôi ăn tết quê chồng – Phủ Lạng Giang xưa, nay là huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), đây cũng là mảnh đất tôi sinh ra.
Lạng Giang nổi tiếng với những sản phẩm đặc sản, đặc hữu nức tiếng xa, gần như: Mỳ gạo, chè lam, kẹo lạc, bánh đa…Hiện, Lạng Giang có 8 Cụm công nghiệp, chẳng thế mà thanh niên tại địa phương đa phần đều lựa chọn vào làm tại các doanh nghiệp ở trong các Cụm công nghiệp, một phần lựa chọn buôn bán, kinh doanh, dịch vụ vận tải nhờ lợi thế giao thông thuận lợi giáp với Lạng Sơn và các trung tâm kinh tế, đô thị lớn đang phát triển như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, quê chồng tôi cũng "thay da đổi thịt" hòa theo sự phát triển mạnh mẽ của cả nước nhưng có những phong tục đẹp vẫn được trân trọng, giữ gìn.
Ngày cuối cùng của năm cũ, phiên chợ Tết cũng vì thế mà nhộn nhịp, tấp nập hơn. Chợ quê nhờ chương trình nông thôn mới nên được xây dựng khang trang, sạch sẽ và được quy hoạch theo các ngành hàng kinh doanh.
Chè lam món quà quê không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình người dân Lạng Giang |
Chợ Tết đặc sắc nhất vẫn là hàng hoa trái, bánh, kẹo. Là vùng đất nổi tiếng với đặc sản: Bánh đa, mỳ gạo, chè lam, kẹo lạc… bởi vậy không khó để nhìn thấy những sạp hàng đầy ắp những phên chè lam đủ màu sắc, hương vị: Chè Lam gấc, Chè lam lá dứa, Chè lam cẩm… nhưng được nhiều người mua lựa chọn nhất là Chè lam gấc và Chè lam truyền thống. Chè lam được làm từ gạo nếp, gừng, lạc và mật mía. Nếu muốn có thêm màu đỏ thì có thể dùng Gấc hay một phần gạo nếp cẩm, muốn màu xanh thì có thể dùng lá dứa (lá nếp) xay lấy nước rồi trộn với bột...
Theo các bà, các chị kể chè lam phải dùng mật mía thì mới thơm và ngon, quện với vị gừng cay nồng, độ dẻo của chè đã tạo nên một món quà quê với hương vị khó quên.
Là vùng đất nổi tiếng với Cam sành Bố Hạ, giờ đây ở Lạng Giang vườn nhà ai cũng có vài cây cam, cây bưởi. Chỉ khác người dân đưa giống bưởi Diễn, cam Canh vào trồng vì những giống này không những cho năng suất cao mà vị ngọt, thanh hơn. Do vậy, ở các phiên chợ Tết quê ở quê những sản phẩm này ngập tràn các quầy hàng, thay thế phần nào những hoa quả nhập khẩu từ bên kia biên giới.
Ai cũng chọn cho mình những cành bồng bồng đẹp, cân đối để cắm trong dịp Tết |
Phong tục truyền thống mỗi gia đình dù giàu hay nghèo thì ngày Tết trên bàn thờ đều có 2 bình cây “bồng bồng”, hai bên bàn thờ là 2 cây mía được chọn lựa với các “lóng” mía dài đều, thân mía thẳng.
Những cây mía lóng đều, cân đối và đẹp sẽ được lựa chọn để dâng gia tiênCuoo |
Mẹ tôi đã từng nói, cây mía là “gậy” để các cụ, ông bà gia tiên “chống gậy” về ăn tết với con cháu. Còn “bồng bồng” không chỉ xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo mà còn mang ý nghĩa cho gia đình một năm mới được bình an, vui vẻ, hạnh phúc và sung túc. Mẹ còn bảo: “Cây bồng bồng tượng trưng cho ngũ hành nên khi mua phải chọn vào số cành, có 3 cành là phúc, 5 cành là sức khỏe, 2 cành là tình duyên, 8 cành là lộc, 9 cành là may mắn”.
Giờ ở Lạng Giang cùng với phát triển trồng cây ăn trái thì nghề trồng hoa, cây cảnh cũng bắt đầu phát triển. Chẳng thế mà chợ Tết cũng ngập tràn các loại hoa được người dân địa phương trồng. Đi chợ sắm Tết, ai cũng chọn cho mình những cành hoa đẹp nhất về để trang trí ngày Tết và dâng, thờ cúng tổ tiên.
Đời sống kinh tế ngày càng đầy đủ, ngày Tết các gia đình sẽ có thêm những bông hoa tươi thắm để trang trí nhà cửa và thờ cúng tổ tiên |
Tôi vẫn nhớ những năm đầu tiên về quê chồng ăn tết, lúc đó ra chợ có rất ít hàng hoa, đa phần được đưa từ Hà Nội về, bởi thế hoa khá đắt. Nhưng giờ đây hoa và quất cảnh được trồng ở Lạng Giang đã được cung ứng cho các địa phương lân cận và chuyển sang Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Ninh để bán. Giá cũng rất vừa phải nếu không muốn so sánh là khá rẻ so với Hà Nội, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cây cảnh của các chủ vườn ở Lạng Giang cũng được nâng cao, màu sắc rực rỡ và nụ hoa căng mọng, sẵn sàng nở đều vào đúng ngày Tết.
Trước kia, thường một vài nhà chung đụng nhau, nhắm sẵn một chú lợn để ăn Tết. Thường thì là loại lợn chậm lớn, thịt sẽ nhiều nạc, và cỗ lòng sẽ ngon. Những bữa cơm cuối năm có được món lòng lợn đã là sang lắm.
Ngày nay tất cả đều ra chợ mua sắm. Có cả một đội quân chuyên làm thịt lợn, muốn mua gì đều có. Mua sắm các mặt hàng Tết cũng vậy, chỉ cần ra chợ mấy chục phút là đủ.
Một quầy thịt trâu tại phiên chợ Tết |
Đặc biệt, chợ Tết thường có thêm quầy thịt trâu, để người mua yên tâm không lo “trộn thịt bò”, những người bán hàng đã bày cả “đầu trâu” lên để chứng minh với người mua đây là thịt “trâu xịn”.
Hàng năm dù ở xa, mỗi năm đến dịp Tết tôi lại trở về quê chồng ăn tết. Có lẽ sau này chợ Tết sẽ ngày càng khác bởi sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa, nông sản ở nơi khác sản xuất được các hộ kinh doanh nhập về bán, nhưng những sản phẩm đặc sản Lạng Giang tôi tin sẽ còn mãi.