Phát triển thương mại trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 - Năng suất và bền vững
Hội thảo đã đón nhận 47 bài tham luận đến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Các tham luận đã tập trung vào các vấn đề như Năng suất và chất lượng; Phát triển thương mại trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại chia sẻ “Hội thảo được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn tham luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà quản lý giáo dục đại học, các giảng viên, các nhà nghiên cứu, kinh doanh, các doanh nghiệp về phát triển thương mại theo hướng nâng cao năng suất đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững, khai thác tốt các cơ hội của bối cảnh công nghiệp 4.0”.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ góp phần chuyển dịch không chỉ các ngành sản xuất, mà còn các ngành kinh doanh, dịch vụ và hoạt động thương mại nước ta theo hướng từ nền kinh tế có năng suất thấp, với ít cơ hội cải tiến công nghệ để đạt được giá trị gia tăng cao, sang nền kinh tế có năng suất cao (có nhiều cơ hội hơn cho các sáng kiến, các đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và kinh doanh). Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể coi là chìa khóa, là cơ hội để phát triển mang tính đột phát cho các ngành kinh tế nói chung, cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, việc phát triển hoạt động công nghiệp và thương mại cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, cả trước mặt và lâu dài, trong xu thế công nghiệp 4.0 bởi lợi thế về lao động, đặc biệt là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể; các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế cạnh tranh và sẽ thu hẹp dần để nhường chỗ cho các ngành có đầu tư chiều sâu cho sự đổi mới, sáng tạo, định hướng tuyển dụng và đào tạo đội ngũ lao động tri thức, có khả năng học hỏi, thu lượm, chuyển giao, chia sẻ và ứng dụng tri thức để nâng cao năng suất và tạo ra giá trị cho tổ chức.
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế cao cấp cho rằng “Hiện bối cảnh thế giới đang thay đổi cùng với vấn đề Brexit và EU thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động đến quá trình toàn cầu hóa và làm cho chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi và Việt Nam cũng phải thay đổi. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam được gắn “nhãn xuất xứ Trung Quốc” và thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt con số 41,5 tỷ USD (2017) do vậy Việt Nam có thể bị Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai bên. Hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam nhiều hơn và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh gay gắt. Việc nâng cao hiệu suất lao động, chuyên môn hóa sâu hơn ở các loại hình/công đoạn khác nhau cũng như đa dạng hóa sản phẩm đang là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Tại Hội thảo cùng với các tham luận đến từ các doanh nghiệp có nhiều thành công trong hoạt động cải tiến năng suất, ứng dụng CN 4.0 vào sản xuất và phát triển hệ thống thương mại như: Công ty CP Giấy Hồng Hà; Tổng công ty Đức Giang… thì các chuyên gia đều thống nhất vấn đề nâng cao năng suất cần được sự quan tâm ở tầm quốc gia với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và doanh nghiệp. Đặc biệt các hoạt động phát triển thương mại cần phát triển theo hướng bền vững tạo ra sự phát triển vững chắc cho doanh nghiệp, ngành và quốc gia.
Nội dung các tham luận đã bàn về bản chất, tầm quan trọng và các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất, các công cụ cải tiến năng suất, các tiêu chí đo lường năng suất, chất lượng, mối liên hệ giữa quản trị tri thức và nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; các cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong cải tiến năng suất, chất lượng ở bối cảnh kinh tế sôi động này. Những nguyên lý này cũng được minh họa bằng các tình huống nghiên cứu thực tiễn của các tổ chức, doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, đồng thời xác định tầm nhìn, định hướng phát triển trong tương lai.