Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm quế: Cần xây dựng bản đồ số, thu hút nguồn lực đầu tư
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (trong đó 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Các FTA đã và đang giúp nông sản Việt Nam, nhất là sản phẩm quế ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ đã có cuộc trao đổi vấn đề này với Báo Công Thương.
Nông dân Lào Cai sơ chế quế. Ảnh: TTXVN |
Dưới góc độ chuyên gia về ngành nông nghiệp, theo ông doanh nghiệp ngành quế đã có những thuận lợi và gặp phải những thách thức gì trong quá trình tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu?
Cho đến nay, chúng ta cũng nhận thấy, nông sản Việt Nam trong đó có sản phẩm quế đã có nhiều thuận lợi để xuất khẩu, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng nhờ các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Hiện thị trường của sản phẩm quê đang mở rộng, nhiều thị trường đang có nhu cầu và niềm tin với sản phẩm quế Việt Nam, đơn cử như thị trường châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ...; Ngoài ra, chúng ta có vùng nguyên liệu tập trung tại Lào Cai, Yên Bái thuận lợi canh tác, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, các địa phương xác định quế là cây trồng chủ lực, vì thế đã tập trung các chính sách hỗ trợ, phát triển, thúc đẩy công tác khuyến nông...
Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi có không ít khó khăn, thách thức. Như hiện chúng ta chưa có chiến lược phát triển ngành quế tầm quốc gia, điều này khiến cho không ít doanh nghiệp do dự đầu tư. Mặt khác, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành còn lỏng lẻo, cũng như nhân lực chất lượng thiếu hụt... đã làm hạn chế giá trị gia tăng đối với ngành quế cũng như sự bấp bênh về thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Hiệp hội ngành hàng cũng chưa thể hiện rõ vai trò kết nối của các thành viên, đại diện, bảo vệ doanh nghiệp trên thị trường. Chính sách hỗ trợ chưa tạo điểm tựa và thúc đẩy sự phát triển đột phá cho sản phẩm ngành quế, nhất là trong việc khai thác, tận dụng các FTA để tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy |
Từ các thuận lợi, khó khăn đan xen, ông đánh giá như thế nào về việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho ngành quế, qua đó có thể tận dụng hiệu quả hơn các FTA?
Có thể nói, việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái tận dụng các FTA cũng như đưa ra cách thức, lộ trình xây dựng và lợi ích đem lại để tạo điều kiện cho ngành quế phát triển và xuất khẩu sản phẩm là hết sức quan trọng.
Chúng ta kỳ vọng, việc lập các nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan; cũng như tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả hệ sinh thái cho ngành; việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường bền vững... sẽ tác động tích cực đến ngành quế trong quá trình tận dụng các FTA.
Tuy nhiên, liên quan đến xây dựng hệ sinh thái cho ngành quế, cũng như nông sản của Việt Nam, theo quan điểm của tôi đến nay mới đưa ra các định hướng. Theo đó cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn về mặt nhận thức, cũng như hành động cụ thể. Bởi, hệ sinh thái là hoạt động tập thể, liên quan đến chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, kinh doanh, bán được hàng ra thị trường. Do hệ sinh thái bao gồm nhiều tác nhân, nên chỉ cần tắc nghẽn một khâu thì ảnh hưởng cả hệ thống.
Ngành quế - một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo ông trong thời gian tới, Hiệp hội ngành hàng cùng các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp ngành quế?
Trước hết, tôi cho rằng, chúng ta cần phải sớm xây dựng được bản đồ số về ngành quế để doanh nghiệp có thể nắm rõ diện tích, sản lượng thu hoạch, nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nhất là các thị trường có FTA… Khi có những thông tin đó mới nảy nở đổi mới, sáng tạo, từ đó tránh tình trạng ùn ứ hay thiếu trầm trọng. Đồng thời, việc xây dựng được bản đồ số về ngành quế tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn lực đầu tư. Như vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quê… hiện là mơ ước của nhiều hộ sản xuất cũng như doanh nghiệp ngành quế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển, đưa sản phẩm đến với các thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường FTA với các yêu cầu, quy định khắt khe phải vững mạnh về vốn để đầu tư công nghệ. Trong khi đó, nguồn lực về vốn của doanh nghiệp đang là yếu tố cần nhiều hơn sự quan tâm, tháo gỡ.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương cần ngồi lại với nhau xây dựng một chiến lược phát triển cho sản phẩm quế, ngành quế ở tầm quốc gia. Khi có chiến lược, định hướng phát triển doanh nghiệp sẽ xác định quy mô, nhận thức được cơ hội mở rộng thị trường để đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp nghiên cứu giống cây trồng, sản xuất được những sản phẩm chất lượng; triển khai các dự án vừa và nhỏ… để nhân rộng hình mẫu sản xuất cho người nông dân; cũng như đẩy mạnh xây dựng phát triển hợp tác xã ngành quế.
Còn Bộ Công Thương, thiết nghĩ cần tiếp tục tăng cường đàm phán, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm quế; nghiên cứu về sự thay đổi nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường; xác định tác nhân đầy đủ cho việc phát triển hệ sinh thái ngành quế. Bộ Công Thương cần tăng cường, thúc đẩy liên kết ngang các Bộ, ngành, liên kết dọc theo đường đi của sản phẩm... Từ đó sẽ góp phần gia tăng cơ hội phát triển, mở rộng thị trường cho sản phẩm quế.
Xin cảm ơn ông!