Phát triển làng nghề gắn với du lịch
- Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tại chỗ
Nhũng năm qua, phát triển làng nghề gắn với du lịch đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số địa phương. Trên thực tế, nhiều địa phương đã thành công với mô hình này. Tại miền Bắc có lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, đồ gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ… Miền Trung có làng điêu khắc Mỹ Xuyên, nón Phú Cam, đá Non Nước… Miền Nam và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có kẹo dừa Bến Tre, nem Lai Vu, lụa Tân Châu…
Theo bà Đinh Thị Hiền- Phó trưởng phòng Phát triển ngành nghề nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, du lịch làng nghề là một ngành kinh tế đem lại nhiều lợi nhuận, đồng thời có tác động đến nhiều ngành kinh tế khác. Hơn nữa sự phát triển của các làng nghề giúp cho ngành du lịch quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng truyền thống. Như Chương trình bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch tại bản Lác- xã Chiềng Châu (Mai Châu- Hòa Bình) cũng đem lại hiệu quả đích thực. Thương hiệu Thổ cẩm Mai Châu đã có trên khắp mội miền đất nước, xuất khẩu đi các nước châu Âu, đặc biệt là Nhật Bản rất được ưa chuộng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định: “Làng nghề gắn với du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh cũng như đưa làng nghề Việt Nam vươn đến những bước tiến mới”.
Cần chiến lược dài hơi!
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề. Bà Đào Thu Vịnh- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, Hà Nội có đến hơn 1.000 làng có nghề, trong đó có khoảng 272 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, rất thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, ngoại trừ một số làng nghề được điểm tên là Bát Tràng, Vạn Phúc..., hầu như các làng nghề khác đều bị bỏ quên, mặc dù có chủ trương từ chính quyền địa phương, như cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái... Các làng nghề này mặc dù được đầu tư phát triển du lịch từ những năm 2003- 2004, có tên trong tour của các hãng lữ hành, song đến nay tình hình vẫn không có biến chuyển tích cực, lượng tour thưa thớt, khách hàng thờ ơ.
Ông Hoàng Hoa Quân, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, đối với du lịch làng nghề, để phát triển phù hợp với bối cảnh mới, cần chú trọng việc sớm hoàn chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến du lịch làng nghề, tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống. Xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia để thu hút khách.
Du lịch làng nghề là một việc làm khó khăn đòi hỏi một chiến lược dài hơi và một quyết sách mạnh mẽ. Cũng theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: “Đã đến lúc phải có tư lệnh trong lĩnh vực phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hiện có rất nhiều bộ, ngành tham gia chỉ đạo, quản lý hoạt động này nhưng còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, rành mạch”.
Lan Anh