Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
Nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.
Đối với ngành du lịch, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tây Bắc đang có nhiều lợi thế để thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh |
Tại Hội thảo trực tuyến “Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Tây Bắc” mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Phạm Lê Thảo cho biết, TTX đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Việc lựa chọn TTX cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Cũng thông qua tăng trưởng xanh, các giá trị văn hóa cốt lõi được truyền tải, chia sẻ và thấm nhuần trong lối sống của con người.
Theo Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch theo hướng TTX là mô hình phát triển du lịch gắn với mục tiêu cụ thể, như: Đảm bảo sự phát triển của du lịch phù hợp với môi quan hệ biện chứng giữa phát triển du lịch với nỗ lực bảo vệ tài nguyên và môi trường. Trong đó, khác với mô hình phát triển du lịch thông thường, mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX sẽ hướng tới phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường với định hướng những sản phẩm du lịch tương ứng nhằm hỗ trợ cho mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Thời gian qua, tại Việt Nam, với quan điểm phát triển du lịch hướng tới phát triển bền vững, hàng loạt các loại hình du lịch với mục tiêu phát triển bền vững đã hình thành và phát triển như du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch nào trong các loại hình du lịch này cũng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững ở các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Nổi bật trong thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng TTX là các địa phương vùng Tây Bắc, bởi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Trong các mô hình du lịch theo hướng TTX và bền vững của vùng Tây Bắc, nổi lên hai mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, điểm nổi bật của hai mô hình này là gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương.
Hiện nay, vùng núi Tây Bắc đang xây dựng những điểm du lịch cộng đồng, homestay thu hut sự quan tâm của du khách tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai); Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái); Lai Châu… Đặc biệt, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như phát triển thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ (Tả Phìn, Sa Pa), nghề thêu trang trí trên trang phục, thủ công mỹ nghệ…
Phán ảnh từ địa phương, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sa Pa cho biết, những năm qua Sa Pa được coi là điểm sáng trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại vùng núi Tây Bắc. Trong đó, Sa Pa đã xác định và tập trung phát triển các trụ cột chính gồm bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Nổi bật nhất phải kể đến bản du lịch cộng đồng Tả Phìn với nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, các sản phẩm du lịch đa dạng đã hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển du lịch bền vững, Sa Pa còn quan tâm, tư vấn kiến thức cho bà con tham gia phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời thường xuyên nâng cao trình độ nhân lực làm du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm…
Theo các chuyên gia du lịch, các mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX tại các điểm điểm đến của Tây Bắc đã có bước phát triển rất ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, lợi thế hiện tại lượng khách đến Tây Bắc còn rất khiêm tốn so với các khu vực khác. Hạn chế này do nhiều yếu tố, trong đó do công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch hướng tới TTX ở các địa phương vẫn còn mang tính tự phát, cục bộ. Nhiều địa phương, công ty du lịch cố gắng xây dựng và khai thác một số chương trình, tuyến du lịch với sản phẩm đặc trưng là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái mang đặc điểm của TTX, song quy mô còn nhỏ lẻ và hình thức chưa thật rõ nét nên khả năng thu hút du khách còn hạn chế.
Ngoài ra, công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý, nhân viên phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các địa phương Tây Bắc còn lúng túng trong triển khai các chính sách phát triển du lịch nói chung, phát triển du lịch theo hướng TTX nói riêng. Mặc dù trên địa bàn đã có các quy hoạch khu du lịch quốc gia được xây dựng và công bố nhưng đầu tư thế nào, quản lý phát triển ra sao từ các cơ sở dịch vụ, các điểm du lịch đến các khu du lịch... còn chưa triển khai bài bản, đồng bộ dẫn đến hình ảnh du lịch vùng Tây Bắc vẫn nhạt nhòa. Trong khi đó, để thực sự hiệu quả trong khai thác các loại hình du lịch hướng tới TTX rất cần đến những mô hình chuẩn mà các địa phương có thể áp dụng được trong việc phát triển du lịch hướng tới TTX của địa phương mình.
Trước những tồn tại, để thúc đẩy phát triển du lịch TTXvùng Tây Bắc, nhiều đề xuất cho rằng, mô hình phát triển du lịch TTX Tây Bắc cần triển khai phù hợp với từng cấp độ phát triển của địa phương. Bởi nhiều địa bàn đã có sự phát triển du lịch lâu đời, có uy tín, thương hiệu, tuy nhiên trình độ phát triển của địa phương có sự khác nhau. Mặt khác, một số mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng cần đẩy mạnh xây dựng, như kinh doanh theo hộ gia đình, tổ hợp tác, ban quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân…