Phát huy vai trò của truyền thông trong sử dụng năng lượng hiệu quả
Tọa đàm “Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trường Đại học Điện lực, các doanh nghiệp, Sở Công Thương Đà Nẵng, Tiền Giang…. cùng hơn 50 phóng viên đến từ các cơ quan truyền thông tại thành phố Đà Nẵng.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II” do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Lần lượt từ trái qua phải: Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; ông Nguyễn Văn Trừ - Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Trần Viết Nguyên- Phó ban kinh doanh -EVN, Nhà báo Nguyên Long - Phó trưởng phòng Kinh tế -VOV1 (Ảnh: Hạ Vĩ) |
Hoạt động nhằm chia sẻ chuyên môn tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng bền vững.
Truyền thông là nhiệm vụ quan trọng của chương trình VNEEP3
Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây, kéo theo đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh đó, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tọa đàm nhằm chia sẻ chuyên môn tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả (Ảnh: Thu Hường) |
“Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước”- ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh và đề cập đến một số chương trình quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như chương trình dán nhãn năng lượng.
Ông Vũ cho biết, thời gian qua, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, các địa phương đã quan tâm và tuân thủ các quy định về Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như trong công tác quản lý kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng trong thực hiện quy định về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị, máy móc, điều đó cho thấy sự thay đổi từ duy trong các cơ quan quản lý, doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra chúng tôi nhận thấy công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, tránh tâm lý nể nang chưa nghiêm khắc trong giám sát và ban hành các quyết định xử phạt hành chính trong việc vi phạm Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”- ông Trịnh Quốc Vũ cho hay và khẳng định, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nâng cao hơn nữa công tác giám sát thực thi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chưa sẻ: Thời gian qua, Sở Công Thương Đà Nẵng đã triển khai một số việc trong đó phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cũng như thực hiện công tác kiểm toán năng lượng.
“Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia kiểm toán năng lượng và thực hiện các dịch vụ công về kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức, khảo sát tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm để có giải pháp kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng đến sản xuất sạch hơn”- ông Trừ nói.
Theo ông Trừ, năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Giải thưởng Tiết kiệm năng lượng cấp thành phố, Sở Công Thương cũng tổ chức một chương trình riêng, qua đó nhận thấy các doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất sạch hơn.
Kết quả, năm 2023 tổng lượng điện tiết kiệm của thành phố Đà Nẵng đạt 68,39 triệu kWh tương đương tỷ lệ tiết liệm 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố.
Phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông về tiết kiệm năng lượng
Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng, nhiều năm qua EVN bám sát vào chủ trương chính sách của đảng và nhà nước, của Bộ Công Thương, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo (Chỉ thị số 20), qua đó EVN đã có những điểm nhấn chỉ tiêu cụ thể. Đây là thành công lớn nhất của Chỉ thị số 20 từ trước đến nay với sự đo lường cụ thể nên việc triển khai tại các địa phương cũng có nhiều thuận lợi.
"Hiện chúng tôi đã hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng với tỷ lệ số hóa lên đến trên 90%, qua đó chúng tôi có số liệu tiết kiệm điện được để có giải pháp, kế hoạch cụ thể truyền thông để điều chỉnh hành vi sử dụng điện sao cho hiệu quả và tiết kiệm"- ông Nguyên nhấn mạnh.
Thời gian tới, EVN tiếp tục sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương trên toàn quốc nhằm thực thi tốt Chỉ thị số 20 của Thủ tướng để có thể giảm công suất đỉnh của hệ thống với mục tiêu đến năm 2025 giảm được 1.500MW thông qua chương trình Điều chỉnh phụ tải, giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải và phân phối.
Cùng với đó EVN cũng đã giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho các đơn vị trong ngành phải thực hiện tốt hơn so với chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị số 20 và phải gương mẫu tiên phong trong tiết kiệm điện, EVN giao cho các đơn vị tiết kiệm 10% tại các cơ quan công sở của Tập đoàn. Đồng thời, coi giải pháp tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất bởi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh với chủ trương mưa dầm thấm lâu, để cộng đồng xã hội có nhận thức tốt về chính sách tiết kiệm điện…toàn bộ tài liệu truyền thông đã được số hóa và được cập nhật trên trang webite của Tập đoàn và thông qua các dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Ông Nguyên chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã đã tiết kiệm được 2,6 tỷ kWh điện tương đương 2,38% so với cùng kỳ, và đạt mức cao hơn mức tối thiểu mức chính phủ giao (2%). Kết quả này có được là một phần đóng góp của cơ quan truyền thông trong việc lan tỏa tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp xã hội.
Chuyên gia Hà Đăng Sơn chia se tại Tọa đàm (Ảnh: Thu Hường) |
Còn theo ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực: Là đơn vị nghiên cứu, đào tạo chúng tôi nhận thấy cần kiểm soát, siết chặt hơn nữa về công tác thực thi tiết kiệm năng lượng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Đến giờ chúng ta có được thành công là nhờ triển khai đa dạng các phương thức truyền thông. Trong đó, một số chương trình truyền thông là điểm nhấn như liên quan đến các cuộc thi về năng lượng, chương trình về Giờ Trái đất, lĩnh vực này là lĩnh vực kỹ thuật, giống như một số lĩnh vực kể cả chuyển đổi số, cần sự chia sẻ của các chuyên gia.
“Trường Đại học Điện lực là trường có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương và EVN, các chuyên gia của chúng tôi “phủ cả” lĩnh vực kinh tế năng lượng và kỹ thuật, sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ các nhà báo trong công tác truyền thông về sử dụng năng lượng hiệu quả”- ông Lê Anh Tuấn khẳng định.
Ở góc nhìn khác, Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết: Công tác tiết kiệm năng lượng chưa có nhiều thông tin tại các địa phương. Các cơ quan truyền thông mới chỉ tập trung thông tin tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, thời gian tới công tác truyền thông tại các địa phương cần được đẩy mạnh và hình thành mạng lưới kết nối giữa cơ quan báo chí và chuyên gia.