Phát huy, lan toả nền báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới
Xây dựng và củng niềm tin
Kể từ khi ra đời, nền báo chí cách mạng Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập đã luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng Việt Nam; làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trên mặt trận, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo…đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật- nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại phù hợp với xu hướng mới của thế giới. Hiện cả nước có khoảng 850 cơ quan báo chí và hơn 41.000 người làm báo.
Theo đó, báo chí đã chủ động, tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời thực tiến, diễn biến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, góp phần định hướng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; quảng bá hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam. Báo chí tham gia tích cực, tiên phong trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới.
Phát biểu tại Hội nghị tuyên dương Người làm báo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam mới đây, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, đội ngũ những người làm báo hôm nay, đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi "đầu sóng", "ngọn gió". Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin diễn biến dịch bệnh, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an…; nêu gương những cá nhân, cộng đồng, phát huy truyền thống nhân ái, góp công, góp sức ủng hộ công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt sứ mệnh của mình |
Tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển và diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ, chủ nghĩa dân tuý, tư tưởng chính trị cực đoan, xung đột thương mại…và các tác động của cuộc các mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và gần đây là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 …càng tạo ra những luồng thông tin đa chiều, khó kiểm soát, thậm chí nhiễu loạn gây áp lực lên mọi quốc gia, nền kinh tế.
Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự "cạnh tranh" giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội.
Những thành phần chống phá lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, internet lợi dụng cái mác “dân chủ, nhân quyền”, “lòng yêu nước”, “bảo vệ môi trường” hay một số vụ việc tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên để lôi kéo một nhóm người kém hiểu biết, ảo tưởng, bất mãn hay có lòng tham để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và sự bình yên của đất nước bằng nhiều công cụ, phương tiện, hình thức khác nhau, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền qua mạng xã hội.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Bối cảnh đó đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Do đó các cơ quan chỉ đạo quản lý, cơ quan báo chí và các nhà báo cần tiếp tục phát huy truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm để hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình.
“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo” – Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Cụ thể, báo chí cần "Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân". Để làm được điều này, mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.
Báo chí phải tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội. Kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam…
Thiết nghĩ, trong tình hình mới, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người làm báo cần ý thức được vai trò trách nhiệm; phát huy những thành quả đạt được, kiên định đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước; không ngừng cập nhật thông tin, học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chấp hành nghiêm các quy định đạo đức nghề nghiệp …để có cái nhìn toàn diện hơn về mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và thế giới từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của mình, lan toả sự tốt đẹp, tính nhân văn của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng toàn cầu.