Phát huy hiệu quả vốn đầu tư công
Xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục trước khi quyết định đầu tư các dự án |
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách trung ương (1.120 nghìn tỷ đồng), vốn cân đối ngân sách địa phương (880 nghìn tỷ đồng). Trong tổng số vốn nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia; dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn gồm: Dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.
Cũng theo báo cáo này, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 phải bảo đảm phục vụ tốt nhất việc thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm, đặc biệt, phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn đối ứng trước để huy động được tối đa các nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư; việc phân bổ vốn bảo đảm công khai, minh bạch...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công để tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp giám sát việc thực hiện phân bổ chi tiết vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020. |
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá, danh mục các dự án Chính phủ trình được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, thể hiện khá chi tiết danh mục dự án cũng như phương án phân bổ vốn cho từng công trình, dự án. Tuy nhiên, về chất lượng chuẩn bị, qua thẩm tra, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật Đầu tư công.
Về công tác thanh toán nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước, cơ quan thẩm tra cho biết, tính đến ngày 15/2/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định và các bộ, ngành địa phương đã bố trí 50.516,413 tỷ đồng/79.499,613 tỷ đồng vốn ứng trước phải thu hồi.
Cho ý kiến tại vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trước tiên phải ưu tiên vốn cho các các công trình nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đối ứng trước; ưu tiên bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, dự án đã được phê duyệt và đang chuyển tiếp, sau đó mới phân bổ cho các chương trình đầu tư mới theo Luật Đầu tư công.