Phải tạo được cú hích trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc
Sáng 16/10, tại trụ sở Ủy ban dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
Tạo cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ mà Ủy ban Dân tộc đạt được thời gian qua; những tham mưu, đề xuất, sáng kiến… của Ủy ban Dân tộc đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước là đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng có sự thay đổi. Đời sống đồng bào không ngừng được cải thiện rõ rệt. Các trạm y tế, nhà văn hóa, trường học ngày càng khang trang, kiên cố, sạch đẹp và hiện đại. Mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển theo chiều hướng ngày càng tốt hơn…
Phó Thủ tướng mong muốn Ủy ban Dân tộc cũng như các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban Dân tộc, các địa phương trong triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trọng tâm là tập trung xây dựng và hoàn thiện, triển khai các đề án, chính sách dân tộc và phải thực sự tạo được cú hích, sự chuyển động trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước là đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là bổn phận, trách nhiệm và chừng nào bà con đồng bào còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn thì chúng ta còn day dứt, quặn lòng và phải tự nhủ cần cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn...", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Nhấn mạnh chủ trương, chính sách, nguồn lực đã có, đã được bố trí hoặc đã có kế hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cần chú ý hơn tới việc đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương, nhất là về nguồn lực và kinh phí.
Đồng thời, trong quá trình hoạch định chính sách, triển khai chính sách, cần đặc biệt quan tâm đến những vùng khó khăn và phải làm khẩn trương, kịp thời với các thủ tục đơn giản nhất có thể, bảo đảm dễ làm, dễ thực hiện, dễ áp dụng chính sách. Các chương trình, dự án về khoa học công nghệ cần chú ý nhiều hơn đến cả các yếu tố về xã hội.
Việc triển khai các đề án, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; phải thực sự tạo được những đột phát, cú hích đối với khu vực và cả vùng.
Không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc, đồng thời phải nâng cao hơn nữa năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác dân tộc.
Trong triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng gợi ý Ủy ban Dân tộc; các bộ, ngành hữu quan cần cân nhắc, tính toán, lựa chọn những điểm, nhiệm vụ đột phá để tập trung thực hiện, chẳng hạn như chọn nhiệm vụ đột phá về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào; kiên cố hóa trạm y tế, trường học; thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông…
Tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách dân tộc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; huy động được sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thường xuyên được quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực, khắc phục tình trạng trùng lắp; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực về kết quả công tác dân tộc, tình hình triển khai chính sách dân tộc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi đáng kể. Từ vị trí đứng cuối cùng năm 2022 với kết quả giải ngân thấp nhất, lên đứng thứ 2 năm 2023 và hiện nay (tháng 9/2024) đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia có tỉ lệ giải ngân cao nhất, cao hơn gần 1,2 lần so với tổng vốn của cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục tham mưu, thực hiện rà soát và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan công tác dân tộc đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024 (9 đề án, chính sách).
Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình; chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình đúng tiến độ, hiệu quả.
Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường... giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.