Phải phân tích rõ nguyên nhân khiếu nại, tố cáo
Chính phủ cần kiểm tra ngay các vụ việc cụ thể, gây bức xúc trong dư luận xã hội, không để việc nhỏ thành việc lớn |
Giảm về số lượng nhưng diễn biến phức tạp
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%; số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyêt của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, dù tình hình khiếu kiện của công dân giảm về số lượng, song vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.
“Nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết” - ông Phan Văn Sáu nói và cho biết thêm, vẫn tồn tại tình trạng công dân khiếu kiện đông người, thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, trụ sở các cơ quan Trung ương... căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực với các cơ quan Trung ương, gây mất an ninh trật tự.
Về nguyên nhân, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, chính sách, pháp luật về đất đai tuy đã được sửa đổi nhưng chưa đồng bộ, quy hoạch đất đai chưa được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch có liên quan khác; khó thực thi, thậm chí có phần mâu thuẫn với nhau giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội... nên chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, vùng tái định cư....
Cần làm rõ nguyên nhân
Cho ý kiến vào các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này và cho rằng, Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân, trong đó tập trung vào các vấn đề cụ thể, như: Vì sao công dân khiếu kiện có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng; tồn tại trong công tác tiếp công dân; lý do khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày càng phức tạp;...
Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, ngoài những nguyên nhân được Báo cáo của Tổng thanh Tra Chính phủ nêu ra, còn có hai nguyên nhân khác là mối quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và trách nhiệm của cơ quan xử lý chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm không đồng tình với báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, nguyên nhân khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp là do chính sách, pháp luật về đất đai, dù đã được sửa đổi, chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Bà Nga nhắc lại: “Chính từ những đánh giá này đã dẫn đến việc sửa đổi Luật Đất đai, và bây giờ lại tiếp tục đưa những lý do này là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo là không phù hợp”.
Ngoài những ý kiến nói trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung và báo cáo đầy đủ với Quốc hội để có giải pháp đồng bộ, phù hợp và đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm cải thiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Kết thúc phát biểu của mình, bà Nga đề nghị, Chính phủ cho kiểm tra ngay các vụ việc cụ thể, gây bức xúc trong dư luận xã hội đang xảy ra hiện nay, không để việc nhỏ thành việc lớn.