Chủ nhật 24/11/2024 09:01

Phá bỏ hàng loạt vườn cao su ở huyện miền núi Nghệ An

Tại nhiều địa phương ở Nghệ An, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị người dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.

Chặt cao su do thu không đủ bù chi

Cây cao su có mặt trên đất Phủ Quỳ từ những năm 1960 của thế kỷ trước, trải qua nhiều thăng trầm, cây cao su vẫn được ví là loại cây “vàng trắng”, đem lại thu nhập cao cho người dân vùng miền núi Nghệ An. Thế nhưng khoảng 2 năm nay, nhiều vườn cây cao su đang trong độ tuổi cho khai thác đã bị đốn hạ, chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày.

Vườn cao su 0,6 ha chuẩn bị đốn hạ của người dân ở huyện Nghĩa Đàn mặc dù mới khai thác được 3 năm, để trồng cây ngắn ngày

Những ngày cuối tháng 3, giữa vườn cao su ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, gia đình đang chuẩn bị đốn hạ gần 0,6ha cao su để bán gỗ nhỏ. Theo bà Hằng, “Vườn cao su này trồng phải loại giống kém, cạo cả vườn mỗi ngày chỉ được 30-40kg mủ. 2 năm trở lại đây, đầu vụ còn bán được 7.000-8.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm một nửa, mỗi ngày chỉ bán được hơn 200 nghìn đồng. Trong khi hai vợ chồng phải dậy đi cạo mủ từ 2- 3h sáng, thu nhập không đủ bù đắp công lao động, chưa tính tiền đầu tư, chăm sóc”.

Vừa qua, gia đình bà Hằng đã báo cáo, đề nghị xã cho chuyển đổi sang trồng ổi, mặc dù 6 sào cao su này mới bước vào thu hoạch năm thứ 3, chu kỳ khai thác còn rất dài. Diện tích 1 ha cao su còn lại thuộc sự quản lý của nông trường Cờ Đỏ được trồng từ năm 1993, đến hết năm nay mới kết thúc chu kỳ khai thác, nhưng gia đình bà hầu như đang bỏ mặc không thu hoạch do mỗi ngày cao nhất cũng chỉ thu được 30- 40 kg mủ. “Sau khi chặt bỏ, tôi sẽ xin nông trường chuyển sang trồng ổi, chỉ trừ khi bắt buộc tuân theo kế hoạch của nông trường, phải trồng cao su thì mới tiếp tục trồng. Nản lắm, nếu trồng giống có khả năng chống chịu cao hơn thì năng suất thấp, giống cây cao sản lại hay bị gãy đổ”, bà Hằng nói.

Cũng như bà Hằng, gia đình chị Đinh Thị Lan ở xã Nghĩa Hồng chuyển từ vườn cam sang trồng cao su đã gần 10 năm, chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên thì năng suất lại quá kém.

Cây cao su nhà trồng chỉ cạo được 6 tháng, năng suất lại quá kém. Mỗi ngày, cả nhà đi cạo mủ từ 3-4h sáng, nhưng toàn bộ 0,5 ha cao su chỉ thu được 7 - 8 kg mủ. Đã vậy, mủ còn rất loãng, hàm lượng thấp, nên giá bán luôn thấp hơn các hộ khác, thường chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thậm chí có lúc rớt giá chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kgkhông đủ bù tiền dọn vườn”, chị Lan chán nản. Năm nay, nhà chị quyết định chặt bỏ vườn cao su đầu tư hơn 40 triệu đồng để chuyển qua trồng ổi.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, diện tích cây cao su trên địa bàn đã giảm từ 1.500 ha còn khoảng 900 ha. Theo người dân ở huyện Nghĩa Hồng, những năm 2007- 2009, giá mủ cao su cao ở mức 14 - 15 nghìn đồng/kg, người dân xã Nghĩa Hồng ồ ạt phát triển diện tích cao su. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nay diện tích đã bị thu hẹp chỉ còn 337 ha.

Không chỉ huyện Nghĩa Đàn, mà tại thị xã Thái Hoà, tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến.

Cao su được xem là "vàng trắng" một thời, nay bị "khai tử". Trong ảnh: Người dân chặt bỏ cao su đang thời kỳ thu hoạch tại huyện Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn.

Bà Lê Thị Huệ ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu - người vừa chặt bỏ 2 ha cao su đang thu hoạch - cho biết, giá mủ quá thấp, đến nỗi nhiều nông dân không muốn khai thác nên đành phải chặt bỏ.

Chưa biết giá mủ lúc nào tăng trở lại, trong khi chi phí phân bón và chăm sóc ngày càng tăng nên phải phá vườn để chuyển sang cây trồng mía, trồng ổi, nhiều người còn chặt bỏ cao su non” - bà Huệ nói và cho biết thêm: “Hiện gia đình vẫn còn lại 2 sào cao su, từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm, mỗi tháng thu về từ 1,2- 1,5 triệu đồng, tuy nhiên nếu không đi cạo mủ được, phải thuê nhân công thì chỉ đủ tiền công. Giá mủ cao su quá thấp, có thể nói thấp nhất trong vòng mười năm qua, nên nông dân chặt bỏ vườn cao su là chuyện khó tránh khỏi”.

Theo ông Lê Đại Nhân - Phó Giám đốc Nông trường Cờ đỏ, hiện nông trường có 646 ha đất, trong đó gần 300 ha cao su. “Một số vườn cây do nhiều nguyên nhân, năng suất và thu nhập quá kém, khi người sản xuất có nhu cầu phá bỏ, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện”, ông Nhân cho hay.

Làm gì để khai thác có hiệu quả mỏ “vàng trắng”?

Trước tình hình mủ cao su bị mất giá trầm trọng, nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền ở Phủ Quỳ đang cầm cự, đắp đổi qua ngày để giữ lại vườn cao su - tài sản lớn nhất của họ. Nhiều hộ dân cũng đang băn khoăn, không biết sẽ trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Việc cấp bách hiện nay là phải có những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để cây cao su phát triển đúng hướng và mang lại giá trị cao.

Nhiều gia đình ở xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn chuyển diện tích trồng cao su qua trồng ổi

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, một phần do các nông trường - đơn vị được giao quản lý, phát triển cây cao su trên đất Phủ Quỳ, vẫn còn hạn chế, thiếu sâu sát trong công tác tổ chức sản xuất, tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho các hộ sản xuất; người trồng vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sản lượng, chất lượng mủ không cao.

Dẫn đến, nhiều diện tích sau khi hết chu kỳ khai thác mủ đã được chuyển sang trồng mía nguyên liệu; nhiều diện tích được người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả mặc dù vẫn đang trong kỳ khai thác. Hàng nghìn ha cao su thuộc các nông lâm trường, thì do nguồn lực tài chính, kỹ thuật có hạn nên chưa tạo được vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, giá trị; sản lượng và chất lượng sản phẩm mủ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, công tác quản lý, tìm kiếm thị trường giá trị cao còn hạn chế, việc thu mua nguyên liệu vì thế thiếu bền vững, không tạo được sức hấp dẫn với người sản xuất.

Thực tế, những vùng nguyên liệu cao su được doanh nghiệp đầu tư bài bản, sản phẩm có đầu ra ổn định thì cây cao su sẽ phát triển bền vững và hiệu quả, công nhân rất yên tâm sản xuất mặc dù có những thời điểm thị trường sụt giảm”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển cao su Nghệ An: Hơn 10 năm nay, công ty đã trồng được hơn 4.500 ha cao su, trong đó 2.500 ha đã cho khai thác, năng suất đạt bình quân 1,9 tấn/ha/1 chu kỳ khai thác 15 năm; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định, bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng cho hàng trăm lao động địa phương vùng dự án.

“Xác định giống là số 1, nên chất lượng giống cây được ưu tiên hàng đầu; quá trình chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tập đoàn đưa ra. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo, vườn cây của đơn vị được đánh giá là vườn cây có chất lượng tốt nhất khu vực miền Trung. Sắp tới, khi được giao đủ đất để khép kín diện tích cao su theo kế hoạch đã được phê duyệt, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị và tăng tính bền vững cho phát triển cây cao su trên đất Nghệ An…”, ông Tuấn nói.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là bài toán quy hoạch và đầu tư, liên kết sản xuất phải sớm có lời giải. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc, nếu không cần thiết thì không cạo mủ để bảo vệ cây và chờ giá tăng trở lại. Nông dân nên thực hiện các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập. Đối với diện tích hết hạn khai thác, sau chặt bỏ nông dân nên trồng loại cây khác có hiệu quả hơn.

Với thị trường tiềm năng, những lợi thế về diện tích đất đai và những giá trị vượt trội mà cây cao su đem lại, loại cây trồng này từng được tỉnh Nghệ An đưa vào là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, sau khi rà soát đánh giá lại căn cứ trên tình hình thực tế, cây cao su đã được tỉnh đưa ra khỏi danh sách các loại cây trồng chủ lực giai đoạn tới.
Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Miền núi Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt 5 tỉnh, thành phố

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Thái Bình hướng đến mục tiêu 95% người dân hiểu về tác hại của rượu bia

Lào Cai: Nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Lào Cai: Quyết liệt đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Hội thảo quốc tế Kết nối công nghệ Đà Nẵng - Australia

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận nông thôn mới năm 2024