Triệu phú vùng chân sóng
Chúng tôi về Giao Xuân đúng thời điểm con nước đang lên, vùng cửa sông Ba Lạt mênh mông sóng, hàng trăm chiếc chòi canh ngao sưởi mình dưới ánh nắng hiếm hoi cuối đông. Với chất giọng trầm ấm của người dân miền biển, anh Trần Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Giao Xuân - tiếc rẻ, nếu về vào sáng sớm, các nhà báo sẽ được chứng kiến cảnh thuyền tấp nập về bến sau một đêm thu hoạch!
Thuyền ngao về bến sau một ngày thu hoạch muộn |
Anh Tùng nói, nghề nuôi ngao xuất hiện ở Giao Xuân từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ một vài người tâm huyết, mạnh dạn quây lưới (chạc) nuôi và tìm thị trường tiêu thụ. Trải qua hơn 30 năm, từ chỗ chỉ có vài chạc với mấy chục mét vuông, diện tích nuôi ngao của Giao Xuân đã mở rộng tới 300ha, trong đó, vùng nuôi thường xuyên, ổn định khoảng 200ha. Trên địa bàn xã, hiện có khoảng 100 hộ nuôi ngao, số hộ nuôi trồng có quy mô lớn trên 30 hộ với diện tích từ 10 - 15ha. "Trong khoảng 20 - 30 năm trở lại đây, Giao Xuân đã có sự thay đổi rõ rệt, ngày một trù phú hơn. Nuôi ngao cũng giúp một số người dân trở thành triệu phú" - anh Tùng chia sẻ.
Trên bến, đôi bàn tay thoăn thoắt lựa ngao và không hề chệch nhịp, bà Trần Thị Dung (xóm Thị Tứ) vui vẻ nói với chúng tôi, nghề nuôi ngao vất vả lắm, 3 năm mới được một lứa ngao thương phẩm, bình quân mỗi ha thu hoạch 40 tấn ngao. Dù không phải cho ngao ăn, nhưng người nuôi ngao phải thường xuyên theo dõi con nước, ăn sóng, nằm gió, gần như suốt ngày có mặt ở chòi canh ngao. "Vất vả là vậy, nhưng ngao mang lại cho người dân Giao Xuân chúng tôi cuộc sống sung túc hơn" - bà Dung nói.
Chúng tôi biết, dùng từ "sung túc", bà Dung đã nói giảm, nói tránh đi rất nhiều về cuộc sống của người dân nơi đây. Giao Xuân từng rất nổi tiếng với nhiều triệu phú có thu nhập nhiều chục tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi ngao. Chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi bà Dung giới thiệu về chồng bà - ông Nguyễn Văn Cửu - người đầu tiên du nhập giống ngao Bến Tre về Giao Xuân. Ông cũng là người khơi nguồn "vàng trắng" trên vùng cửa sông Ba Lạt khi mạnh dạn đầu tư nuôi ngao sinh sản, nhân giống để cung cấp cho bà con địa phương và các vùng nuôi trồng khác.
Quá trình nhân giống ngao của gia đình ông Nguyễn Văn Cửu cũng nhiều gian truân. Mất gần 10 năm, quy trình sản xuất ngao khép kín từ nguồn giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ mới thành công. Hiệu quả mang lại cho những người tiên phong hoàn toàn xứng đáng, ông Cửu là triệu phú đầu tiên của vùng ngao Giao Xuân.
Tìm hướng phát triển bền vững cho nghề
Câu chuyện về ngao, về sự biến đổi của thời tiết, về lòng kiên trì của những người dân bám biển và làm giàu từ biển đang râm ran trong nắng chiều đông vàng óng ả. Chợt tiếng bà Dung trùng xuống, "mấy năm nay, nghề nuôi ngao không còn được như xưa, hao hụt nhiều, lời lãi không đáng bao nhiêu. Gia đình tôi đã phải thu hẹp diện tích nuôi trồng từ 40ha xuống còn vài ba ha".
Ngao được sàng, phân loại trước khi mang đi tiêu thụ |
30 năm gắn bó với nghề nuôi ngao, cũng là gần 30 năm gia đình bà Dung làm đầu mối thu mua ngao thương phẩm mang đi tiêu thụ cho bà con. Nắm khá rõ biến động thị trường, bà nói, trước kia, mỗi ngày, chúng tôi thu mua vài chục tấn ngao, nhưng nay chỉ được vài ba tấn mỗi ngày. Giá bán hiện chỉ bằng 1/3 giá ngao trước kia, thậm chí, có thời điểm giá ngao thịt chỉ còn 8.000 đồng/kg, chưa được 1/3 giá trị. Đặc biệt, từ khi có dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ khó khăn. Trước khi có dịch, mỗi ngày, thị trường Hà Nội tiêu thụ hàng tấn ngao, nay chỉ còn vài tạ.
Nỗi lo của bà con vùng nuôi ngao nơi vùng cửa sông Ba Lạt lớn dần khi thị trường tiêu thụ đã khó, khí hậu khắc nghiệt với nước biển dâng, ngập mặn và bão lũ lại càng khó hơn. Dù vậy, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm đã giúp người dân Giao Xuân không chùn bước trước khó khăn. Trước bài toán kinh tế, đầu tư - chịu lỗ hay bỏ chạc, nhiều hộ gia đình đã dồn diện tích thành khu nuôi trồng có quy mô lớn cho các hộ gia đình có tiềm lực kinh tế nuôi.
Anh Tùng khá tâm đắc khi nói về mô hình này - mô hình dồn dịch vùng đất bãi bồi nuôi ngao được đánh giá cao và địa phương khuyến khích bởi khắc phục được tình trạng manh mún trong sản xuất, giảm được chi phí người trông nom, chăm sóc ngao. Đặc biệt, khi diện tích nuôi ngao được mở rộng sẽ khiến điều kiện tự nhiên thay đổi, phù du lưu thông hơn, ngao sẽ có nhiều thức ăn, nhanh lớn, vỏ ngao cũng đẹp hơn và giá trị ngao theo đó cũng sẽ tăng lên.
Dù vậy, việc nuôi ngao phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Được biết, để phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại Giao Xuân, chính quyền địa phương đã và đang tích cực tìm kiếm, kết nối đưa một số doanh nghiệp về địa phương liên kết với bà con áp dụng quy trình nuôi ngao theo tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững) để tạo ra nguồn ngao sạch cho chế biến và xuất khẩu.
Câu chuyện về ngao của chúng tôi kéo dài đến tận khi bóng nắng ngả dần về phía Tây, con nước đã rút xa ra biển. Bãi bồi nơi vùng cửa sông Ba Lạt hiện ra với ngút ngàn chạc lưới được vây vuông thành sắc cạnh. Từng chòi canh ngao cao lêu đêu vững chân bám vào lòng đất. Khoảnh khắc chúng tôi chờ mong đã tới, từng chiếc thuyền chở nặng ngao về bến, tiếng nói cười lao xao của những người thợ ngao hòa lẫn với tiếng gió tạo nên thanh âm vui nhộn của cuộc sống.
Dường như đã quá quen với gian lao, thử thách, khó khăn trong nghề nuôi ngao không làm người dân Giao Xuân chùn bước. Vẫn sẽ có ánh sáng cuối đường hầm và dòng "vàng trắng" là niềm vui, một phần gắn bó với cuộc sống của người dân nơi sông Hồng đổ về với biển.
Là một trong những địa phương nuôi ngao có quy mô trên địa bàn huyện Giao Thủy, xã Giao Xuân có khoảng 300ha diện tích bãi bồi, với 100 hộ nuôi ngao. UBND xã Giao Xuân định hướng phát triển vùng nuôi trồng tập trung, liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại địa phương. |