PC Đắk Lắk: Nhiều giải pháp đảm bảo vận hành an toàn lưới điện 110kV
Với đặc thù trong quản lý vận hành, lưới điện 110kV của PC Đắk Lắk có nhiều tuyến đi qua các khu vực nương rẫy của người dân. Đặc biệt, trong các năm gần đây giá cả của các nông sản như: Hồ tiêu, cà phê, mắc ca, sầu riêng… đều có xu hướng tăng. Điều này giúp kinh tế địa phương phát triển nhưng cũng khiến ngành điện đứng trước nhiều khó khăn mới, đặc biệt là trong công tác phát quang để đảm bảo an toàn trong vận hành.
Công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế thực hiện phát quang hành lang tuyến trong rẫy cà phê của người dân (Ảnh: Thanh Nga) |
PC Đắk Lắk hiện đang quản lý vận hành đường dây 110kV có chiều dài 515 km, gồm 26 đường dây trải dài khắp các huyện. Hành lang an toàn lưới điện 110kV rộng khắp, độ bao phủ của đường dây đi qua nương rẫy của người dân tương đối nhiều nên công tác quản lý vận hành, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện 110kV luôn là vấn đề cần được chú trọng.
Để làm tốt công tác, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp áp dụng, thực hiện kiểm tra hành lang tuyến bằng phương tiện không người lái (Flycam). Đơn vị cũng tăng cường tần suất kiểm tra định kỳ trên tuyến mỗi tháng 02 lần kết hợp kiểm tra đột xuất, từ đó tổng hợp đánh giá phân loại tuyến, phân luồng tuyến để kịp thời đưa ra các dự báo, cảnh báo và sẵn sàng xử lý kịp thời những trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn hành lang lưới điện.
Đội đã liệt kê chi tiết từng khoảng trụ của từng đường dây, từ đó có biện pháp xử lý triệt để. Chỉ tính riêng tuyến đường dây 172/KRN-172/EKA đi qua các khu vực thuộc huyện Krông Năng, Ea Kar có 61 khoảng trụ thì 21 khoảng trụ nằm trong khu vực canh tác các loại cây nông sản của người dân, cây cối trong hành lang theo thống kê là 212 cây như: Keo, bơ, cây lấy gỗ, muồng, cao su và 6 bụi chuối. Hay như đường dây mạch kép 171/T2.KBU-172/KRN (đi qua huyện Krông Búk, Krông Năng); 172/KRN-172/EKA (thuộc huyện Krông Năng, Ea Kar) với 16 khoảng trụ nhưng khối lượng cây sầu riêng, mắc ca, muồng trụ tiêu, bơ… cũng rất nhiều. Số liệu trên cho thấy để đảm bảo vận hành thông suốt lưới điện cũng như an toàn hành lang an toàn lưới điện 110kV là rất nhiều khó khăn, gian nan.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngay từ những ngày đầu tháng 9, tại khắp các huyện trong tỉnh hoạt động mua bán sầu riêng diễn ra sôi động, tấp nập. So với năm 2022, năm nay giá sầu riêng tăng gấp đôi và được xem là năm “sốt sầu” khi bà con làm sầu riêng phấn khởi vì có một vụ mùa được mùa được giá.
Tuy nhiên, vì thế vừa qua khi các nhà vườn sầu riêng được giá, thương lái thu mua giá cao nên người dân đã rào kín vườn, rẫy, đóng cổng, thả chó dữ thậm chí có nơi treo bảng trên rẫy “rẫy có bẫy” để tránh bị trộm cắp. Hiện tại, đã hết mùa sầu riêng nhưng người dân vẫn tiếp tục các công việc tưới tắm, chăm sóc và hạn chế người lạ vào vườn, công nhân ngành điện rất khó khăn để có thể tiếp cận, xử lý các vấn đề về hành lang an toàn lưới điện.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Đắk Lắk đang tăng cường tần suất chặt tỉa cây 3 lần/tháng. Mỗi CBCNV quản lý vận hành đường dây 110kV của Đội luôn cố gắng tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ hành lang lưới điện, tầm quan trọng của người dân trong việc chung tay bảo vệ lưới điện Quốc gia.
Đến nay, riêng Đội Cao thế đã thực hiện phát hơn 1.500 tờ rơi an toàn điện đến với người dân tại khu vực có đường dây 110kV đi ngang qua. Với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hơn 90% là người dân – chủ vườn cho phép công nhân vận hành được chặt tỉa, còn lại một số ít người dân yêu cầu báo trước 5 ngày mới được thực hiện. Trong năm 2023, đơn vị ghi nhận có 10 hộ yêu cầu đền bù mới cho chặt tỉa. Tuy nhiên, qua quá trình vận động, có 09 hộ đồng ý cho triển khai công tác mà không cần đền bù; 01 hộ còn lại, các công nhân đang tiếp tục tuyên truyền. Trong số này có thể kể đến một hộ gia đình trồng cau với diện tích lớn, thuộc khoảng trụ 57-58 đường dây 174.T2.KBU-172/CMG (địa phận huyện Cư M’gar) đã di dời các cây vi phạm khoảng cách an toàn ra khỏi hành lang.
Qua theo dõi, hiện nay vẫn còn có nhiều mối nguy hại tiềm ẩn phát sinh khác có nguy cơ gây sự cố mất an toàn điện cho người và tài sản. Trong đó, tình trạng đào múc đất gần đường dây điện, câu cá, thả diều; người dân xây dựng công trình vi phạm hành lang; phương tiện cơ giới vi phạm khoảng cách an toàn… vẫn tái diễn.
Mặc dù đơn vị quản lý vận hành đã tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động người dân chấp hành theo đúng quy định nhưng vẫn còn một số vi phạm. Gần đây nhất, vào ngày 15/9/2023, trong quá trình kiểm tra định kỳ đường dây 110kV T2.KAN -KBO (đường dây băng qua địa phận các huyện Krông Ana, Krông Bông), PC Đắk Lắk đã phát hiện và nhắc nhở ông C.V.T đang múc đất làm nhà gần móng trụ điện. Sau khi hiểu được tính chất của vụ việc, khách hàng này đã cam kết không tiếp tục thực hiện việc này để tránh ảnh hưởng đến vận hành an toàn của lưới điện.
Với các giải pháp đồng bộ, đến thời điểm hiện tại, PC Đắk Lắk chưa ghi nhận sự cố nào trên đường dây 110kV trong năm 2023. Trên cơ sở này, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động, phấn đấu đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định và liên tục cung cấp điện khách hàng.