Oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga thể hiện sức mạnh tại chiến trường Ukraine
Không chỉ có Mỹ, Quân đội Liên Xô và Quân đội Nga hiện nay cũng có những dòng máy bay ném bom siêu âm cơ động cao và uy lực. Và máy bay ném bom Tu-22 và các biến thể chính là thiết kế điển hình.
Chúng được NATO đặt biệt danh là Backfire với thiết kế cánh cụp, cánh xòe đặc trưng. Thiết kế đặc biệt này cho phép máy bay có thể hoạt động ở nhiều dải vận tốc khác nhau và khả năng bay bám địa hình để bất ngờ leo cao tung đòn tấn công đột kích bằng bom và tên lửa hủy diệt đối phương.
Phiên bản đầu tiên Tu-22 ra đời từ năm 1969, còn phiên bản Tu-22M3 được sản xuất hàng loạt từ năm 1978 và đưa vào trang bị từ năm 1989. Theo số liệu công khai, tổng cộng có 268 chiếc Tu-22M3 được lắp ráp.
Tu-22M3 dài 42,4m; sải cánh rộng 34,28m khi xòe, 23,3m khi cụp và trọng lượng cất cánh 124 tấn. Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, Tu-22M3 vẫn có thể mang theo 24 tấn vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và bất kể ngày đêm.
Tu-22M3 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau với tên lửa diệt hạm Kh-15 hoặc tên lửa Raduga Kh-22, cả hai loại tên lửa này đều có thể đạt vận tốc bay khoảng hơn 6.000km/giờ với tầm bắn lên tới 1.000km. Ở các gói nâng cấp mới nhất, máy bay ném bom siêu âm của Nga còn có thể ném các loại bom lượn hạng nặng không thể ngăn chặn từ ngoài ô phòng không của đối phương.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, hiện trên thế giới, không quốc gia nào sở hữu loại vũ khí đa năng nguy hiểm như máy bay Tu-22M3. Sau khi tham gia nhiệm vụ tác chiến chống khủng bố tại Syria, các máy bay Tu-22M3 vẫn tiếp tục tham gia hoạt động chiến đấu tại cuộc xung đột ở Ukraine và chúng đang được nâng cấp lên chuẩn Tu-22M3M.