Nước lũ sông Yên lên cao, Thanh Hóa yêu cầu các địa phương lên phương án sơ tán dân
Do ảnh hưởng sau bão số 4, nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn kéo dài, khiến mực nước trên sông Yên dâng cao, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chủ động lên phương an sơ tán dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, hồi 7h ngày 30/9 mực nước trên sông Yên tại trạm Thủy văn Chuối là +3.05 m (trên BĐII là 0.25 m). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có dấu hiệu ngớt mưa. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Yên tiếp tục lên, có khả năng lên mức báo động III (+3.50m) vào khoảng 13-15h chiều nay (ngày 30/9/2022).
Để ứng phó với nước lũ trên sông Yên và các sông trên địa bàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá phát lệnh báo động III trên sông Yên, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê điều xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
Nước lũ trên sông Yên dâng cao. |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Liên quan đến ảnh hưởng của bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho hay, đến 7h sáng nay 30/9, trên địa bàn tỉnh này đã có 12 vị trí ngập tràn đường gây tắc đường, sạt lở taluy âm và taluy dương ở 10 vị trí trên các tuyến đường tỉnh lộ.
Cụ thể, tại 12 vị trí đường tràn như: Sông Quyền, Ná Cà, Tân Lập, Tân Hùng (huyện Như Xuân); Ná Mén, Cửa Dụ, Thành Nàng, Thôn Chiềng (huyện Thường Xuân); Một Giột (huyện Nông Cống); Mó Tôm (huyện Bá Thước); Hai huyện là Thạch Thành, Bá Thước bị ngập nước từ 0,3m -2m gây tắc đường, người dân không thể qua lại.
Nước ngập tràn cũng đã gây chia cắt cục bộ đối với người dân ở các huyện nói trên. Tại một số vị trí ngập tràn đường ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ, Bá Thước mực nước sâu từ 0,2 - 0,6m chưa gây tắc đường.
Mưa bão cũng đã gây sạt taluy âm tại 1 vị trí trên tuyến ĐT.521D với chiều dài 6m; Sạt taluy dương tại 9 vị trí trên các tuyến ĐT.520C (05 vị trí), Tuần tra biên giới (04 vị trí) với khối lượng khoảng 420m3. Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thêm các vị trí sạt mở rộng và không gây tắc đường.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đề nghị các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.