Chủ nhật 24/11/2024 18:51

Nông sản Việt vào thị trường EU: Tăng chất để vượt hàng rào phi thuế quan

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi đi vào thực thi sẽ mở cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, việc hàng rào thuế quan dỡ bỏ thì hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Cần nỗ lực rất lớn của cả Nhà nước và doanh nghiệp (DN) để nông sản vượt qua hàng rào phi thuế quan và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng mới vượt qua được "chướng ngại vật"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng được hưởng ngay thuế suất 0% như: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3 - 7 năm sau như ván dăm, sợi, gỗ dán... Nhưng điều này không có nghĩa là xuất khẩu có thể bật tăng thần kỳ nhờ thị trường EU mở cửa và họ nhập hết các loại nông sản Việt xuất sang.

Với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như thủy sản, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế, khó mà vượt được tiêu chuẩn khắt khe của EU.

EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép.

Đầu tư chiều sâu là “chìa khóa” để nông sản Việt vào EU

Các chuyên gia cho rằng, "EVFTA chỉ mở đường cho sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng, vượt qua được "chướng ngại vật" là các điều kiện kiểm dịch ngặt nghèo cụ thể với từng mặt hàng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Là một trong những DN thành công đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh - chia sẻ, những năm gần đây EU siết chặt quy định thuốc trừ sâu và họ dùng điều này để đàm phán với phía Việt Nam. Đơn cử, với mặt hàng hồ tiêu trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1 ppm, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh mức này xuống còn 0,05 ppm. Mặt khác, những năm gần đây, EU rất quyết liệt với vấn đề an toàn thực phẩm. Đối với các nước thành viên, EU cũng rất nghiêm khắc không riêng hàng hóa nhập khẩu, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. “Một vài quy định cần đảm phán, còn đại đa số các quy định của EU sẽ giúp hàng hóa Việt Nam đạt chuẩn hơn”, ông Phan Minh Thông nói.

Trở lại 10 năm trước, EU vẫn cho phép nhập khẩu hồ tiêu đại trà nhưng 5 năm gần đây, EU/Mỹ chỉ nhập khẩu hồ tiêu sạch và điều chỉnh tỷ lệ chống mốc. Điều đó có nghĩa DN phải trang bị máy tiệt trùng - một loại thiết bị đảm bảo vệ sinh rất tốt cho sản phẩm. Phúc Sinh đầu tư máy tiệt trùng gần 10 năm nay. Hàng hóa vào EU thuận lợi hơn khi đầu tư máy tiệt trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn có thể tác động đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa người tiêu dùng EU phải trả nhiều tiền hơn cho người bán. Đó là một cái tốt, giúp nâng cấp sản phẩm.

Tuy nhiên, việc đầu tư này không dễ đối với nhiều DN. Bởi lẽ, chi phí tuân thủ các quy định này rất lớn. Chi phí mua máy khử trùng nông nghiệp, một thiết bị giúp nhà xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng Metalaxyl của EU, đã lên tới 500.000 euro. Thiết bị này 10 năm trước có giá 1,5 triệu Euro.

Ông Pham Minh Thông cho hay, họ đưa ra quy định cao và áp dụng lập tức. Trước họ cho 1 - 1,5 năm để áp dụng một quy định mới, nhưng bây giờ là ngay lập tức. Chẳng hạn, tỷ lệ chống mốc trong hồ tiêu ban hành tháng 1/2020 và lập tức có hiệu lực, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu hồ tiêu vào EU.

“Rất nhiều chủ DN gặp khó khăn với sự điều chỉnh này của EU”, ông Thông nói. Một DN bị trả lại 40 container (25 tấn/container) hồ tiêu vào năm ngoái do dư lượng Metalaxyl vượt ngưỡng cho phép. Việc bán tiêu với giá 4.000 USD/tấn, thay vì 8.000 USD/tấn cho nhà mua EU, đã khiến công ty này đến nay vẫn lao đao.

Trong lĩnh vực thủy sản, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NAFIQAD) - Bộ NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, số lô hàng thủy sản khai thác bị cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trong 4 tháng năm 2020 là 4 lô, trong khi đó, số lô bị cảnh báo năm 2019 là 36 lô, tương đương với năm 2018 (35 lô), giảm 30% so với năm 2017 (50 lô). Mặc dù số lượng lô hàng thủy sản bị cảnh báo vi phạm ATTP đã giảm nhưng thực tế số lô bị cảnh báo vẫn còn ở mức cao so với các nước phát triển như EU, Mỹ. Tỷ lệ cảnh báo lớn nhất là chỉ tiêu kim loại nặng; gia tăng số lô bị cảnh báo lạm dụng phụ gia như: Nitrite, Nitrate, Ascorbic Acid - E300 và bảo quản sau thu hoạch kém Histamine, vi sinh vật;… Những việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành hàng và thiệt hại kinh tế cho các DN.

Đối với hạt điều, hiện EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ khi xem công đoạn gia công, bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn. Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, ngành điều nhân của Việt Nam phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc từ quốc gia có FTA với EU. Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho rằng, để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

Cần nỗ lực rất lớn của cả Nhà nước và DN

Sự việc trên cho thấy, việc thực thi các cam kết đang gặp nhiều thách thức. Nhiều DN, với mục tiêu xuất khẩu sang EU, nhưng lại mơ hồ về hệ thống các quy định kỹ thuật, khiến việc thực thi cam kết có thể bị chậm trễ.

Các chuyên gia cho rằng, cần những nỗ lực rất lớn của cả Nhà nước và DN cho quá trình thực thi các cam kết, xử lý thách thức liên quan và hiện thực hóa các lợi ích. Nhà nước cần giúp DN nâng cao nhận thức trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ DN vượt qua rào rản. Chẳng hạn, khi thị trường EU đưa ra những tiêu chuẩn mới về hóa chất sử dụng trong hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam, phía Việt Nam nên kêu gọi phía EU cùng hợp tác để giúp DN nắm bắt những điểm mới này.

DN kêu nhiều về tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu vào EU, song cần chấp nhận thực tế này để tìm cách thay đổi, bởi vì tất cả các yêu cầu này đều giúp DN Việt Nam phát triển tốt hơn, sản phẩm của Việt Nam chất lượng hơn. “Đang có quá nhiều thứ chúng ta không đầu tư chiều sâu, DN Việt khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU vẫn giữ thói quen “cầu cứu” Nhà nước khi khó khăn. Trong khi nhẽ ra DN phải tự làm tốt. Bản thân các công ty ở EU họ cũng phải làm như vậy”, ông Thông nói.

EVFTA mở ra cơ hội giúp DN Việt Nam tiếp cận thị trường 500 triệu dân, quy mô GDP gần 18.000 tỷ USD và sức cầu lớn thứ hai trên thế giới, đạt 2.400 tỷ USD/năm. EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét, EVFTA không phải "bữa tiệc dọn sẵn chờ chúng ta ngồi". Điều này đòi hỏi việc tổ chức thực thi Hiệp định phải tốt bằng sự chủ động không chỉ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương mà còn cả DN.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường EU

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác kinh tế, thương mại vững chắc

Hệ sinh thái tận dụng các FTA: Chiến lược phát triển bền vững cho ngành thủy sản

Hệ sinh thái tận dụng FTA - giải pháp để xuất khẩu điều thoát 'kiếp gia công', tăng giá trị

Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA

Hệ sinh thái FTA - động lực và nền tảng vững chắc hơn cho xuất khẩu da giày

Tuân thủ các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA

Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng tốt hơn EVFTA

Tận dụng EVFTA, xuất khẩu da giày tăng tốc vào EU

Hiệp định EVFTA giúp hàng Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh, tăng thị phần tại Thụy Điển

Hiệp định EVFTA thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam

Hiệp định EVFTA - khơi thông dòng chảy cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp

Các cam kết từ EVFTA: Động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

'Xanh hóa' để làm chủ cuộc chơi trong hiệp định EVFTA

Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA: Thu hút đầu tư, tạo sức bật cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

"Đường cao tốc" để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới

Thực thi hiệu quả EVFTA, tạo xung lực mới trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia

Xuất khẩu sang các thị trường có FTA phục hồi, tăng trưởng tích cực

Việt Nam là một trong 3 điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp EU