Nới lỏng giãn cách, tăng sức mua thị trường nội địa cuối năm
Dịch bệnh kéo giảm đà tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9, dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến sức mua giảm sút |
Do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DVTD) chung của cả nước (TMBLHH&DVTD của các địa phương này chiếm tỷ trọng khoảng 50 - 60% TMBLHH&DVTD của cả nước).
Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế. Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Vì vậy, 9 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Tuy nhiên, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị. Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có các văn bản đề nghị các địa phương rà soát, tuân thủ và thực hiện thống nhất, xuyên suốt theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng mình làm cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương thời gian qua là làm sao để các địa phương giữ được hệ thống phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Nhờ đó, đảm bảo ổn định lưu thông hàng hoá. Thời điểm này, nhiều địa phương bước đầu khống chế được dịch cũng dần mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống nhằm tiếp tục ổn định cung cầu hàng hoá” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ sẽ tăng 3-4%
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.
Tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)