Thứ ba 05/11/2024 16:24

Nợ xấu tăng nhanh, công việc chính của nhân viên ngân hàng là lo bán tài sản để thu hồi nợ

Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh và rất đáng lo ngại, công việc chính của các nhân viên ngân hàng thời gian qua là lo bán tài sản để thu hồi nợ…

Ngân hàng đua nhau bán tài sản khủng

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán đấu giá khoản nợ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm với mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.

BIDV cũng rao bán nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 633 tỷ đồng. Tài sản đấu giá bao gồm Nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW; Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản là nhà và đất tại Gia Lai và Kon Tum...

Tháng 5 vừa qua, BIDV cũng đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với giá khởi điểm 325 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV cũng bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Công nghiệp khai thác chế biến đá Tây Nguyên, với giá khởi điểm 120,9 tỷ đồng, bằng chính dư nợ tính đến hết ngày 11/5/2023.

Không chỉ BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Long Biên mới đây thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng kinh doanh Đô thị. Khoản nợ có giá trị ghi sổ tính đến ngày 11/4/2023 là gần 1.413 tỷ đồng và 10,04 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng).

Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty CP Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương mại đầu tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến ngày 30/4/2023 là hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty CP Nosco Shipyard (Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines). Giá trị khoản nợ là hơn 4.762 tỷ đồng và 48 triệu USD (tương đương khoảng 1.130 tỷ đồng).

VietinBank Chi nhánh Khu công nghiệp Hải Dương vừa tiến hành bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty CP Phúc Đạt để thu hồi nợ. Đây là lần thứ 14 VietinBank rao bán khoản nợ này. VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ trên chỉ còn 58,54 tỷ đồng, giảm gần 47 tỷ đồng so với mức giá hồi tháng 5/2022.

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng và khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Sacombank cũng rao bán khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng với giá khởi điểm 145 tỷ đồng.

Chưa hết, Sacombank cũng bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) theo nguyên trạng với giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.

Có thể thấy, các ngân hàng đang đẩy mạnh rao bán đấu giá khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Cùng với đó, nhiều vướng mắc về pháp lý khi xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ khiến nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo sau nhiều năm vẫn chưa được xử lý xong. Vì thế, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng vẫn ế ẩm.

Vướng khung pháp lý nên nợ xấu tăng mạnh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp hai lần so cuối năm 2021. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) bắt đầu có hiệu lực (là 541,6 nghìn tỷ đồng).

Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng hơn 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%.

Thông tin tới báo chí tại họp báo thường kỳ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, nợ xấu do yếu tố khách quan đang “nhen nhóm” tại một số ngân hàng. “Có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống” - Phó Thống đốc nói.

Tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại

Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khó khăn nên nợ xấu tăng. Công việc chính của các nhân viên ngân hàng thời gian qua là lo bán tài sản để thu hồi nợ. Nhưng việc xử lý nợ cũng không dễ vì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, giao dịch kém.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại. Nhóm khách hàng đủ điều kiện vay rất ít, do đó, có giảm lãi suất nữa cũng vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Khoản nợ cũ cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ.

Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. Hơn nữa, định giá phát mại tài sản không theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi, mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%.

Theo ông Hùng, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần đưa ra mức giá hợp lý, theo giá thị trường. Nên sửa quy định theo hướng ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua nhà để ở..., đồng thời quản lý chặt chẽ việc cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.

Còn theo ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới - nợ xấu tăng làm dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản. Cùng với đó là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ, đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ khiến thanh khoản ngân hàng càng trở nên căng thẳng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, với thực trạng hiện nay, muốn không để nợ xấu tiếp tục tăng thì buộc phải có cơ chế pháp lý đặc thù cụ thể và rõ ràng.

Theo Luật sư Đức, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế.

Hiện nay, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

Tại lần sửa đổi này, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Dự thảo cũng Luật luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có quy định đặc biệt về xử lý nợ xấu và cần cơ chế gia tăng hiệu quả xử lý vấn đề. Cần làm rõ bản chất xử lý nợ xấu, đó là xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, nhưng không nên giới hạn ở chỉ mỗi bất động sản mà phải mở rộng hơn nữa. Ông Hiếu mong muốn, Luật sẽ tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ, điều này cần lý giải đầy đủ. Cần tính toán tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, tránh nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên tính toán tạo ra lợi ích công bằng.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Nợ xấu

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'

Lào Cai: Khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3

Nhà băng đua nhau tăng lãi suất, có nơi chạm 9,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng

Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của lãi kép?

Bảo Việt 60 năm - Tự hào khẳng định Thương hiệu quốc gia

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao vai trò đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Ưu đãi tới 30% khi thanh toán thẻ NAPAS Agribank tại Hàn Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm cơ hội nâng hạng nhờ Thông tư 68

5 triệu USD thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

BIDV khởi động Giải chạy mang Tết ấm cho người nghèo

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ Bac A Bank

Động thái mới sau chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng '0 đồng'

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Thị trường chứng khoán giằng co khi áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và khối ngoại bán ròng

Đề xuất thay đổi thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng 'vào mùa'

9 tháng đầu năm 2024: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Đề xuất quy định mới về hồ sơ, thủ tục tổ chức lại tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao ông Lại Hữu Phước làm quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng