Nợ xấu là thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt
Báo cáo tài chính quý 1/2024 của gần 30 ngân hàng thương mại đã cho thấy bức tranh nợ xấu có nhiều mảng xám. Theo đó, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 tăng so với cuối năm 2023.
Khảo sát của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) về xu hướng kinh doanh của các ngân hàng trong quý 3/2024 vừa được công bố cho thấy, nợ xấu chưa được “giảm nhẹ” như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng ở lần khảo sát trước đó. Cụ thể, qua khảo sát toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, có 96% các ngân hàng tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý 2/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả khảo sát tại thời điểm quý 1/2024. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm trong quý 3/2024.
Nợ xấu tăng cũng là nỗi lo của nhiều chuyên gia kinh tế khi đánh giá những yếu tố tác động tới phát triển kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm. Theo TS. Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế, nợ xấu là một trong những rủi ro, thách thức chính mà kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt.
Quý 1/2024, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% cuối năm 2023 |
Trong Báo cáo về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố, đã nhìn nhận: Cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu. Tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. “Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới”- báo cáo nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát nhưng vẫn là thách thức cần hóa giải. Theo con số từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4/2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Nếu bóc tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Mặc dù có không ít khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn cho rằng có cơ hội để giảm nợ xấu. Có khoảng 70-75,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý 3/2024 và cả năm 2024. Điều này dựa trên cơ sở từ quý 2/2024, các tổ chức tín dụng đã đánh giá các nhân tố nội tại tiếp tục có cải thiện so với quý trước, và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2024. Trong đó, nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” cùng với “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị” tiếp tục được đa số các tổ chức tín dụng đánh giá là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý 2 và dự kiến cho cả năm 2024.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đánh giá “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý 2/2024. Đặc biệt, dự kiến cho cả năm 2024, ”Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” được kỳ vọng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng. Đây chính là những yếu tố giúp tăng trưởng của các ngân hàng ổn định, tạo động lực cho giảm nợ xấu.